HỎI: Bạn sẽ đối đáp thế nào với câu nói: "Không cần đến tôn giáo nữa, vì khoa học sẽ giải quyết được mọi vấn đề."?

ĐÁP.
Thực ra lý luận khoa học phủ định và loại bỏ tôn giáo nảy sinh từ thời cận đại (thế kỷ 16) chứ không hề mới mẻ gì. Tuy nhiên, vì ngày nay khoa học phát triển vượt bậc, nên những người duy lý, duy khoa học càng thêm mạnh miệng. Những người Công giáo hời hợt, thiếu đức tin và thiếu hiểu biết về đạo cũng dễ bị thuyết phục bởi lý lẽ này.
Tuy nhiên có những điểm cơ bản mà bạn nên lưu ý để thấy rằng giữa đức tin và khoa học không hề mâu thuẫn tới mức triệt tiêu nhau được, mà trái lại, chúng hỗ trợ lẫn nhau. Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II trong thông điệp Đức Tin và Lý Trí (1998) đã phân tích nội dung này và ngài khẳng định: đức tin và lý trí như đôi cánh giúp con người bay lên.
Xin nêu lên một vài luận điểm để các bạn dễ nhìn nhận vấn đề.
1. Khoa học và đức tin thuộc 2 lãnh vực riêng biệt khác nhau.
Khoa học thuộc lãnh vực tự nhiên. Đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng vật chất. Phương pháp nghiên cứu dựa vào phân tích và tính toán: cân, đo, đong, đếm. Khoa học chỉ khẳng định được những sự vật hữu hình, còn ngoài ra khoa học chân chính sẽ im lặng trước những gì nó không nghiên cứu được.
Ví dụ: Khoa học khẳng định 1 người chết khi tim ngừng đập và não ngừng hoạt động, các phản ứng vật lý của cơ thể không còn. Còn chuyện có linh hồn không, và chết là linh hồn lìa khỏi xác... khoa học im lặng.
Tôn giáo thuộc lãnh vực siêu nhiên. Đối tượng của tôn giáo là Thiên Chúa và các vấn đề tâm linh. Phương pháp là đức tin và cầu nguyện với tinh thần hiểu biết và tỉnh táo chứ không u mê, mê tín. Đức tin tôn giáo giúp con người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, trả lời những câu hỏi nhân sinh: con người từ đâu mà đến, sống để làm gì và chết sẽ đi về đâu.
Ví dụ: Tôn giáo tin sự hiện hữu của linh hồn, sự chết là sự tách lìa hồn khỏi xác.
2. Khoa học và tôn giáo bổ túc lẫn nhau.
Như đã phân tích, khoa học và tôn giáo khác nhau nhưng không mâu thuẫn nhau. Không những thế, cả 2 bổ túc lẫn nhau. Khoa học giúp con người hiểu biết hơn về thế giới và tôn giáo, giúp loại bỏ sự mê tín. Chẳng hạn khoa học khảo cổ giúp chúng ta biết nhiều hơn về lịch sử cũng như thực hành tôn giáo từ cổ xưa; giúp đánh giá giá trị của tôn giáo như các tác phẩm văn chương cổ (Kinh Thánh chẳng hạn).
Tuy nhiên, vì khoa học chỉ có thể khảo sát những thực tại hữu hình và dừng lại nơi hiện tượng vật chất, nên tôn giáo sẽ bổ túc con người tiếp tục đi sâu hơn vào các thực tại siêu nhiên. Chẳng hạn, khoa học khảo sát được sự hình thành của thế giới này, nhưng thế giới từ đâu mà có, tại sao có và có để làm gì? Mục đích của đời người là gì? Tại sao con người phải đau khổ và ý nghĩa của đau khổ.... thì khoa học không giải quyết được, nhưng tôn giáo bù đắp bằng khoa học thánh, hướng con người đến thực tại siêu nhiên để hiểu hơn về giá trị của mọi sự, để tin nhận nguồn gốc và cùng đích của mọi sự nơi Thiên Chúa. Chính vì tôn giáo hướng đến siêu nhiên nên nó đi đến được tận cùng của vấn đề nhờ đức tin.
Khoa học đáp ứng cho con người những nhu cầu vật chất. Còn tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh và trả lời cho những vấn nạn của cuộc đời. Do đó, tôn giáo và khoa học không mâu thuẫn nhưng là bổ túc lẫn nhau. Và để kết xin có nhận định thế này. Khoa học đích thực không phủ nhận tôn giáo. Người có đức tin thấy được giá trị của khoa học. Chỉ có khoa học nửa vời mới phủ nhận và đòi thay thế tôn giáo.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO