CHỨNG TÁ CỦA CÁC ĐAN SĨ
Các đan sĩ dòng chiêm niệm không hoạt động ở ngoài như giúp xứ, dạy giáo lý, sinh hoạt giới trẻ... khiến cho nhiều tín hữu thắc mắc: Các đan sĩ truyền giáo bằng cách nào khi suốt ngày chỉ ở trong nhà đọc kinh? Bài viết này xin gợi lên một vài "hoạt động chứng ta" mà các đan sĩ chiêm niệm thực hiện qua ơn gọi đặc biệt của họ.
Đời chiêm niệm của các đan sĩ là một chứng tá có giá trị đối với Giáo Hội. Nhưng làm sao chứng tá ấy thuyết phục được mọi người lại là một vấn đề. Trước mắt nhiều Kitô hữu , đời sống đan tu luôn là một dấu chấm hỏi. Họ không hiểu làm sao các đan sĩ có thể làm chứng đức tin, có thể truyền giáo khi suốt ngày sống trong 4 bức tường đan viện, không đi rao giảng, không tham gia các công tác giáo dục…? Lẽ dĩ nhiên, vì họ không hiểu được căn tính và nhiệm vụ của ơn gọi chiêm niệm trong Hội Thánh nên họ mới thắc mắc như thế. Tuy vậy, thắc mắc của họ cũng là một lời nhắc nhở và mời gọi các đan sĩ ý thức về vai trò chứng tá của mình. Họ sẽ thể hiện chứng tá của mình nhưthế nào và bằng cách nào?
Trong một xã hội ồn ào náo nhiệt hôm nay, thiết nghĩ đan sĩ có ba vai trò chứng tá quan trọng cần được biểu lộ.
1. Chứng tá về sự sám hối.
Thế giới hôm nay được Đức Gioan Phaolo II nhận xét là một thế giới đang đánh mất cảm thức về tội lỗi; một nền văn minh sự chết. Quả thật, con người hôm nay đã không còn sợ tội hay hiểu sự nguy hiểm của tội là cắt đứt liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, là đánh mất sự sống đời đời nữa. Do đó, họ cũng không quan tâm đến việc sám hối. Trong bối cảnh như thế, đan sĩ phải sống chứng tá về cuộc đời sám hối ra sao để con người hôm nay được phản tỉnh và trở về?
Yếu đuối là thân phận con người, và sa ngã phạm tội cũng là chuyện dễ hiểu, có khác chăng là sự sa ngã ấy có giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình mà sám hối trở về hay là chúng ta buông xuôi theo những sa ngã ấy?
Đan sĩ là chứng tá của cuộc đời sám hối. Thực vậy, chính thánh Biển Đức đã ví cuộc đời đan sĩ là một Mùa Chay kéo dài, là một hành trình sám hối trở về liên lỉ. Thánh Têrêsa Avila còn có một cách nói sâu sắc hơn: “Nhiệm vụ của họ là phải đau đớn với Đức Giêsu Kitô, phải nâng cao thập giá…Họ như người cầm cờ khi xuất trận, phải chịu đau khổ hơn kẻ khác…Quả vậy, vì phải mang cờ, người này không thể chống lại quân thù để tự vệ và dầu vậy thà để quân thù xé xác còn hơn là bỏ cờ…Nếu anh ta bỏ cờ thì sẽ thua trận”(1).
Đan sĩ phải là những người đi tiên phong, là những người cầm cờ trên chiến trường sám hối. Họ tuyên chứng cho sự sám hối ấy bằng cuộc sống hi sinh hãm mình trong thầm lặng. Họ sống sự sám hối ấy như lời Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nhưlời nhận xét cùa linh mục Nguyễn Văn Tuyên: “Những người sống đời chiêm niệm xét về mặt sám hối, giúp ích cho Giáo Hội và xã hội nhiều hơn cả. Họ là những người cầm cờ lúc lâm trận. Họ không trực tiếp chiến đấu, nhưng nếu họ bỏ cờ thì sẽ thua trận”(2).
2. Chứng tá bằng lời cầu nguyện
Trong khi các Kitô hữu sao nhãng trong việc tâm linh, trong khi xã hội ồn ào đang đánh mất những giá trị thiêng liêng, thì đan sĩ vẫn từng phút, từng giờ thực thi sứ vụ cầu nguyện thay cho Giáo Hội. Họ nhưchiếc máy điều hòa nhiệt độ: dùng lời cầu nguyện để sưởi ấm con tim giá lạnh của biết bao người lãng quên Thiên Chúa và làm tươi mát những tâm hồn nóng bỏng với những lo toan, những xung đột triền miên. Lời cầu nguyện tuy âm thầm, không hùng hồn và văn vẻ nhưnhững lời rao giảng, nhưng lại có giá trị và có sức thuyết phục hơn, vì “con người thời nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Quả vậy, ngày nay trình độ hiểu biết của giáo dân đã được nâng cao, họ đến nhà thờ không còn để nghe giảng cách thụ động nữa, nhưng đã biết phân tích, phê bình những bài giảng ấy. Họ không còn muốn nghe giảng suông nữa, họ cần những chứng tá thực tế và sống động hơn. Theo đòi hỏi đó, đan sĩ không dùng lời giảng để thuyết phục người khác, nhưng dùng đời sống cầu nguyện để bày tỏ những giá trị thiêng liêng.
Biết bao tâm hồn đã được hoán cải nhờ lời cầu nguyện âm thầm của các đan sĩ. Họ được hoán cải bởi ơn Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và nhất là cảm nghiệm được Thiên Chúa qua sự an bình của đời chiêm niệm. Như thế, đời chiêm niệm mang lại một chứng tá quan trọng nữa là sự bình an.
3. Chứng tá của sự bình an.
Đức Hồng Y Martini, trong cuốn sách “Khao Khát Của Thiên Chúa” đã chia sẻ rằng: “Trong vài năm nay, tôi phụ trách linh hướng cho một số đông các bạn trẻ trong nhóm Samuel…Để thực hiện quyết tâm trở về, mỗi năm tôi mời gọi họ thực hành một vài đề nghị, chẳng hạn nhưkhông xem truyền hình hay xem ít lại. Đề nghị thứ tưcủa tôi là dừng việc lo âu cho cuộc sống và cho tương lai. Kết quả là nhiều bạn trẻ thú nhận, họ có thể không xem truyền hình, nhưng không thể dừng các lo âu về cuộc sống và tương lai”(3).
Chia sẻ của Đức Hồng Y Martini trên đây cho thấy, thật khó để ngừng lo lắng trong một xã hội xô bồ và náo nhiệt như hôm nay. Người ta quen sống trong sự ồn ào, đến nỗi người ta sợ khi phải sống trong thinh lặng. Người ta cần sự bình an, nhưng lại mong tìm được bình an và thanh thản trong những sự ồn ào của cuộc sống, trong những nơi giải trí với tiếng nhạc đinh tai nhức óc.
Trong khi đó, các đan sĩ sống một cuộc đời âm thầm trong thinh lặng. Họ rời xa những ồn ào và những lo toan của cuộc sống. Cuộc đời đan sĩ thanh thản hơn một phần nhờ họ không phải lo toan những vấn đề vật chất của đời sống. Nhưng lý do chính là họ tìm được bình an trong Thiên Chúa, trong sự thinh lặng chiêm ngưỡng. Do đó, các đan viện hôm nay đang được xem nhưnhững bóng mát cho những tâm hồn mệt mỏi tìm được chỗ nghỉ ngơi. Chính vì thế, đan sĩ phải là chứng tá của sự an bình. Đan sĩ phải sống nhưthế nào để khi tiếp xúc với đan sĩ, người ta cảm nhận được sự an bình thưthái trong lời nói cũng nhưcử chỉ. Sự bình an thanh thản ấy không phải là những điệu bộ bên ngoài, nhưng là kết quả từ một sự an bình sâu xa trong một tâm hồn tĩnh lặng.
Phải sống trong một thế giới ồn ào, người ta thích nói hơn là thích nghe, thì trong sự thanh vắng của đan viện, các đan sĩ trở nên những con người biết lắng nghe và thích lắng nghe. Lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện, để rồi lắng nghe tha nhân hầu có thể đồng cảm và chia sẻ với những thiếu thốn tâm linh nhưng lại đầy ắp những âm thanh hỗn tạp của tha nhân. Quả vậy, có nhiều tâm hồn tìm đến các đan viện chỉ để được nói chuyện với các cha, các thầy với ước mong trút bỏ những tâm tư đang dồn nét. Họ mong được lắng nghe và tìm được bình an sau những cuộc gặp gỡ ấy.
Đan sĩ hôm nay được mời gọi thực hành lời Chúa Giêsu: “Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian”. Đan sĩ phải trở nên những ngọn đèn đặt trên giá để soi sáng cho mọi người tìm đến với Thiên Chúa; là những hạt muối âm thầm ướp mặn cuộc đời vô vị hôm nay bằng ba yếu tố vừa nêu trên. Con người hôm nay không thích những bài giảng sáo rỗng về tôn giáo, nhưng vẫn còn bị thuyết phục bởi những chứng nhân tôn giáo, những người có khả năng cho họ thấy và cảm nghiệm được giá trị của tôn giáo. Đứng trước những chứng nhân như thế, nếu người ta vẫn khước từ tôn giáo thì đó chỉ là một thái độ thiếu thành thực, một sự chạy trốn (4).
M. Eugenius Nguyen OCist
1 Lm Nguyễn Văn Tuyên, Canh Tân Tâm Linh, tr.67-68, NXB Tôn Giáo, năm 2000.
2 Sđd, tr.68
3 Đức Hồng Y Martini, Khao Khát của Thiên Chúa, tr.73
4 Trần Văn Toàn, Hành Trình Vào Triết Học, NXB Nam Sơn, 1965.
Nhận xét
Đăng nhận xét