HỎI. Trong Kinh Thánh, sa mạc có ý nghĩa gì?

ĐÁP.

Trong Kinh Thánh, đặc biệt là sách Xuất Hành, chúng ta thấy hình ảnh sa mạc gắn liền với hành trình của dân Israel từ Ai Cập vào Đất Hứa. Sa mạc có khá nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với dân Do Thái nói riêng, và mang nhiều bài học thiêng liêng cho chúng ta nói chung.
Sa mạc có 3 ý nghĩa nổi bật.
  1. Nơi gặp gỡ Thiên Chúa
Các tổ phụ dân Israel thường gặp gỡ hoặc có thị kiến về Thiên Chúa trong sa mạc (hay hoang mạc). Abraham, Jacob, Môsê đều nhận được ơn gọi và sứ mạng trong sa mạc.
Khi sai Môsê đến gặp vua Pharaoh để yêu cầu vua trả tự do cho dân Israel, Thiên Chúa cũng truyền Môsê nói với nhà vua: Hãy thả cho dân ta vào sa mạc, để chúng tế lễ cho Ta.
Hành trình 40 năm trong sa mạc của Israel sau khi ra khỏi Ai Cập cũng gắn liền với những cuộc thần hiện, các mạc khải của Thiên Chúa qua Môsê, mà trung tâm điểm là cuộc thần hiện ở núi Sinai, nơi Thiên Chúa ban 10 điều răn.
Ngôn sứ Hôsê có một câu nói rất dịu dàng nhân danh Thiên Chúa: "Này đây Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc để thổ lộ tâm tình".
Ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu và thánh Phaolo là những người đã tự nguyện đi vào sa mạc để cầu nguyện và gặp gỡ Chúa trong sự tĩnh lặng và vắng vẻ.
2. Nơi thanh luyện và chiến đấu.
Hành trình 40 năm trong sa mạc của dân Israel cũng được xem là hành trình thanh luyện. Sa mạc là nơi thử thách sự kiên nhẫn và lòng trung tín của họ. Chính trong sa mạc họ đã được Chúa tôi luyện, một thời gian chuẩn bị trước khi họ đi vào đất hứa.
Nhiều ngôn sứ trong Cựu Ước và Chúa Giêsu cũng đã đi vào sa mạc để "tĩnh tâm", ăn chay hãm mình với mục đích thanh luyện tâm hồn. Thánh Phaolo sau khi trở lại đã đi vào sa mạc Arabia suốt 3 năm để tôi luyện, trước khi trở thành một vị tông đồ truyền giáo vĩ đại.
Ngày nay, trong chương trình đào tạo huynh trưởng, chúng ta cũng dùng cụm từ "sa mạc huấn luyện", vì đó là thời gian huấn luyện và thực hành các kỹ năng của huynh trưởng.
Trong các dòng tu, các tu sĩ cũng có những thời gian "sa mạc", tức là họ sẽ được rút khỏi các hoạt động thường ngày để có thời gian tĩnh lặng mà suy nghĩ xác định lại mục đích sống của mình.
3. Nơi của ma quỷ và sa ngã
Trong luật Môsê, khi làm lễ xá tội cho dân, tư tế sẽ bắt một con dê, đặt tay tên nó (hành vi mang ý nghĩa đổ tội lỗi lên đầu con vật), rồi thả nó vào sa mạc. Con vật sẽ mang theo tội lỗi mà đi vào cõi chết. Những người mang bệnh ghẻ lở hay bị quỷ ám, đều bị cách ly trong hoang mạc.
Cũng chính trong sa mạc, dân Israel bị kích động nổi lên chống Môsê và phản loạn chống lại Chúa. Họ đã thử thách Chúa hết lần này tới lần khác.
Trong sa mạc Chúa Giêsu đã bị quỷ cám dỗ sau khi Ngài chay tịnh 40 đêm ngày.
Như vậy có thể nói rằng, sa mạc là hình ảnh gắn liền với hành trình lịch sử cũng như cuộc sống của dân Israel. Đối với đời sống thiêng liêng của tín hữu Công giáo, sa mạc cũng là hình ảnh được dùng để ám chỉ những thời gian thanh luyện, chiến đấu và cầu nguyện.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO