HỎI. Bạn nghĩ sao về quan điểm "tin Chúa là đủ, không cần Giáo Hội"?
ĐÁP.
Chủ trương trên đây tuy không mới, nhưng ngày nay đang phổ biến khi lòng đạo xuống dốc và sự tục hóa lên ngôi. Có 3 nhóm người theo khuynh hướng này.
Nhóm 1: Những người chủ trương đức tin như vấn đề cá nhân riêng tư, không cần tới Giáo Hội với nhiều lề luật phức tạp.
Với nhóm này, chúng ta cần đặt câu hỏi: Thiên Chúa mà họ tin là Chúa nào? Thiên Chúa của mạc khải Kinh Thánh và đức tin tông truyền của Hội Thánh, hay là một vị thần do họ nghĩ ra? Nếu chỉ tin Chúa thì thánh Phaolo nói: "ma quỷ cũng tin". Nhưng tin Chúa như một vị thần chung chung (như các tôn giáo tự nhiên) thì đó là một niềm tin mơ hồ, và không theo một qui tắc hay tiêu chuẩn nào cả. Người tin mơ hồ cũng dễ dàng hình dung thượng đế theo suy nghĩ riêng và rốt cuộc chúa họ thờ là chính họ, là sở thích và ý riêng của họ chứ không phải một Thiên Chúa đích thực.
Còn nếu họ tin Thiên Chúa của mạc khải, vậy thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Làm sao bạn nhận biết để tin kính Thiên Chúa của mạc khải nếu không có Giáo Hội? Giáo Hội là thầy dạy và thầy hướng dẫn chúng ta đến với Chúa cũng như thực thi thánh ý của Chúa qua giáo lý được rút ra từ Kinh Thánh, nhất là từ giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúng ta được cứu độ trong và qua Giáo Hội. Do đó, tin Chúa mà không cần Giáo Hội là vô lý.
Chúa đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng Tông Đồ Trưởng là Phêrô như phương tiện cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người đến hết mọi người trên trần gian cho đến ngày cánh chung – tức là ngày tận thế. Chính ví thế mà “những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo , được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì sẽ không thể được cứu rỗi.” (LG 14). Nói khác đi, những ai biết Giáo Hội Công Giáo là phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc đã gia nhập qua Phép Rửa rồi mà lại không kiên trì sống đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội này thì cũng sẽ không được cứu rỗi như Giáo Hội dạy trên đây.
Nhóm 2: Những người cảm thấy thất vọng chán nản hay bất mãn vì một khía cạnh nào đó của Giáo Hội, chẳng hạn nạn giáo sĩ trị, hoặc lạm dụng tính dục trong hàng giáo sĩ, hoặc khía cạnh chính trị, ảnh hưởng và tiếng nói của Giáo Hội quá yếu ớt, thậm chí có vẻ như thỏa hiệp với các thế lực xấu, cụ thể nhiều người nói đến vấn đề Tòa Thánh bang giao với chính quyền cộng sản Trung Quốc và chấp nhận im lặng bất lực trước tình trạng bách hại đạo tại đây.
Với các sai lầm và các tội lỗi trong Giáo Hội, chúng ta không phủ nhận hay biện minh, vì thực tế là Giáo Hội tuy thánh thiện tự bản chất, nhưng các thành viên của Giáo Hội là con người yếu đuối. Chúng ta không nại vào sự yếu đuối để biện minh, nhưng cũng cần chân thành nhìn nhận để cảm thông với yếu đuối của chính mình cũng như của tha nhân. Con người chúng ta, không ai là không có tội, thế nên "Đừng bắt người khác phải thánh thiện khi bản thân bạn chưa thánh thiện". Là thành viên của gia đình Giáo Hội thì lẽ ra người trong một gia đình cần yêu thương nhau, thông cảm cho yếu đuối của nhau, ghét tội lỗi, nhưng thương xót tội nhân. Một thành viên phạm tội, chúng ta đau buồn, nhưng đừng vì thế mà thất vọng và ghét bỏ cả toàn thể. Thay vào đó, chúng ta hãy thêm lời cầu nguyện xin Chúa gìn giữ Giáo Hội của Ngài.
Còn những ai thất vọng vì thấy Giáo Hội có vẻ phản ứng yếu ớt trước bất công của xã hội hay trước tình trạng bách hại các tín hữu. Trong xã hội hôm nay, quả thật Giáo Hội đang mất đi ảnh hưởng, tiếng nói của Giáo Hội thật yếu ớt và không được tôn trọng. Các bạn cần biết rằng, Giáo Hội luôn là một nhóm thiểu số từ khi thành lập cho đến hôm nay. Vào thời trung cổ, Giáo Hội có ảnh hưởng vì khi ấy Giáo Hội là sự kết hợp giữa thần quyền và thế quyền, nhưng đó cũng là giai đoạn đen tối của Giáo Hội vì bị thế quyền chi phối và lũng đoạn.
Giáo Hội của Chúa không phải là một tổ chức và một thế lực chính trị. Và trong mọi thời đại, Giáo Hội luôn bị bách hại, thậm chí ngay chính những nơi trước đây là toàn tòng Công giáo chứ đừng nói tới những nơi Công giáo là thiểu số như ở Phi Châu hay Á Châu. Và trong mọi cơn bách hại, Giáo Hội như người mẹ đau khổ chỉ biết cầu nguyện và động viên con cái, chứ những can thiệp và cứu trợ không hiệu quả cho lắm. Điều này tuy đáng buồn, nhưng lại là điều Chúa Giêsu đã tiên báo là Giáo Hội sẽ phải đau khổ và bách hại cho đến tận thế.
Hơn nữa, các hoạt động can thiệp của Tòa Thánh thường diễn ra âm thầm, phương tiện truyền thông cũng thường chú tâm đến các scandal trong Giáo Hội, còn các hoạt động tích cực thì luôn bị phớt lờ. Một sai phạm của Tòa Thánh có thể bị báo chí phanh phui liên tục trong 10 năm, còn những thành quả tích cực chỉ được đưa tin vài dòng ngắn ngủi hoặc thậm chí là im lặng. Vậy nên, chúng ta cũng đừng chỉ dựa vào các thông tin trên báo chí để kết luận là giáo hoàng không làm gì và im lặng thỏa hiệp với sự dữ. Kết luận như vậy là phiến diện và bất công đối với ngài.
Chúng ta hãy cầu nguyện để đức tin của Giáo Hội mỗi ngày thêm lớn mạnh, để các tín hữu - trong đó có mỗi chúng ta - luôn trung thành phụng sự Chúa trong Giáo Hội. Nhưng chúng ta đừng mong Giáo Hội trở thành một thế lực chính trị có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, bởi điều đó không cần thiết cho ơn cứu độ và thậm chí như vậy Giáo Hội còn có nguy cơ biến thành một thể chế chính trị với những mối bận tâm thế tục chứ không còn là mẹ và thầy dạy chân lý đức tin cho tín hữu.
(còn tiếp)
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét