NIỀM HI VỌNG ĐƯỢC DIỄN TẢ TRONG KINH SALVE

Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông. Này con cháu Eva, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông Mẹ, kêu Mẹ mà khóc lóc, than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt. Bà là nữ trạng sư, nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con đoái lại. Và sau đời khổ ải, xin Bà khấn tỏ ra, cho đoàn con được thấy, quả phúc bởi lòng Bà Đức Giêsu khả ái. Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương. Ôi dịu hiền nhân hậu. Trinh nữ Maria.“ (Bản dịch kinh Salve Regina – Kính chào Nữ Vương“

Tình mẹ, trong tâm thức của mỗi con người, là hiện thân của mình một tình cảm thiêng liêng, cao cả và dịu dàng êm ái. Mẹ đã cho con sự sống, là nơi bảo vệ đời con từ khi là bào thai cho đến khi làm người. Lòng mẹ là nơi cưu mang, nuôi dưỡng thai nhi; đôi tay mẹ là chiếc nôi ru êm cho tuổi thơ an giấc. Đối với trẻ thơ, mẹ là cả một vùng trời bình yên, một thế giới của niềm vui và hi vọng. Tâm tình này thật đúng như lời vịnh gia cảm nhận:

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

Trong con hồn lặng lẽ an vui”. (Tv 130,3)

Không chỉ với trẻ thơ, nhiều người trưởng thành vẫn nhìn nhận rằng, mẹ là một chỗ dựa vững chắc và là nguồn an ủi, nâng đỡ họ trong bước đường đời đầy gian truân thử thách.

Cũng trong tâm tình đó, ngay từ thời sơ khai, các tín hữu trong Giáo Hội đã xem Đức Maria là hiền mẫu và ca ngợi tình Mẹ cao cả và thánh thiện của Ngài. Sự tôn kính ấy không phải chỉ đặt trên những cảm nhận tâm lý như chúng con vừa trình bày, mà cao hơn, niềm tin ấy đặt trên công nghiệp lớn lao của Mẹ trước mặt Chúa. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo Hội.

Qua mỗi giai đoạn lịch sử với những thăng trầm trong Giáo Hội và ngoài xã hội, lòng tôn sùng Đức Maria lại càng được củng cố. Không chỉ tôn kính mà thôi, các tín hữu còn hết lòng yêu mến và đặt hi vọng nơi tình mẹ của Đức Maria. Niềm hi vọng này được thể hiện qua những lời kinh mà các tín hữu đọc lên để tuyên xưng lòng yêu mến cũng như để kêu cầu sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ. Một trong những lời kinh thể hiện sâu sắc tâm tình ấy chính là Kinh Salve. Có thể nói, Kinh Salve là một trong những lời kinh tuyệt vời thể hiện niềm hi vọng cùng với Đức Maria.

I. NGUỒN GỐC VÀ BỐ CỤC KINH SALVE

1. Nguồn gốc

Theo các sử gia, Kinh Salve được viết vào khoảng năm 1096, thời Trung Cổ. Lời Kinh này được viết ra trước hết nhằm diễn tả sự tôn kính và lòng yêu mến của các tín hữu dành cho Đức Maria và cũng để cầu xin sự nâng đỡ, chở che của Mẹ trước những khó khăn, gian truân của cuộc đời trần gian. Bên cạnh đó, trước nguy cơ đe doạ của người Hồi giáo, lời kinh được dùng để cầu xin sự phù hộ và ơn chiến thắng cho cuộc chiến chống lại người Hồi giáo. Lời kinh này được thánh Bênađô hoàn chỉnh và thêm vào ba lời nguyện sau cùng. Chính các đan sĩ Xitô là những người đã có công phổ biến Kinh Salve. Trong Dòng Xitô, Kinh Salve được hát cách long trọng vào cuối mỗi giờ Kinh Tối1. Truyền thống này vẫn còn được duy trì đến ngày hôm nay.

II. NIỀM HI VỌNG ĐƯỢC DIỄN TẢ TRONG KINH SALVE

1. Đức Maria, niềm hi vọng của các tín hữu

Lời Kinh Salve được bắt đầu với việc kêu cầu các tước hiệu của Đức Maria để tôn kính vị thế cao cả của Mẹ cũng như để bày tỏ niềm cậy trông của các tín hữu vào sự chuyển cầu quyền thế của Mẹ.

1.1 Nữ Vương: Niềm tin của Giáo Hội tuyên xưng Đức Maria là Nữ Vương. Quả vậy, khi trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế và nhất là khi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đức Maria đã được Thiên Chúa ân thưởng qua việc đưa cả hồn lẫn xác của Mẹ về trời và đặt Mẹ bên cạnh ngai toà Chúa Giêsu. Mẹ được tôn vinh là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ vương các thánh2 … Khi kêu cầu Đức Maria với danh hiệu này, các tín hữu đặt hi vọng vào vị thế siêu việt của Mẹ. Là Nữ Vương, Mẹ có đủ quyền thế để trở thành một vị Trạng Sư và Trung Gian bênh đỡ cho các tín hữu trước mặt Chúa Giêsu.

1.2 Mẹ Xót Thương: Là Mẹ Giáo Hội, cũng là mẹ các tín hữu, Đức Maria luôn yêu thương con cái với tất cả tình mẹ. Ngài không muốn một người con nào của Giáo Hội, những người đã được máu Con Mẹ cứu chuộc phải hư mất vì tội lỗi. Chính vì thế, Mẹ luôn thể hiện sự quan tâm hiền mẫu đến những ai kêu cầu và ban muôn ơn lành hồn xác để nâng đỡ họ trong bước đường lữ thứ trần gian.

1.3 Mẹ là Nguồn Sống: Các tín hữu kêu cầu Mẹ như là nguồn sống vì Mẹ chính là Mẹ các Kitô hữu. Quả vậy, khi cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu, sự sống vĩnh cửu của các tín hữu, Đức Maria đã mang lấy nguồn sự sống và nguồn ơn cứu độ cho cả nhân loại. Không những thế, theo Đức Gioan Phaolo II, Đức Maria, Người Nữ Tỳ Thánh Thể, vẫn hiện diện bên bàn thờ mỗi lần linh mục dâng Thánh Lễ để một lần nữa hiệp thông vào hiến tế của Chúa Giêsu và trao ban Thánh Thể nuôi sống các tín hữu. Do đó, một cách mầu nhiệm và trong đức tin, Đức Maria đã trở thành nguồn sự sống của các tín hữu.

1.4 Mẹ là Nguồn Vui: Khi hay tin bà Elizabeth mang thai (x.Lc 1,39-45), Đức Maria đã vội vã đến viếng thăm và giúp đỡ bà. Sự thăm viếng của Mẹ đã làm cho Gioan Tẩy Giả vui mừng khiến em nhảy mừng trong lòng mẹ, và chính bản thân bà Elizabeth cũng được đầy an ủi và niềm vui. Theo Cha Tổ Phụ, bà thánh Elizabeth vui mừng, thánh Gioan vui mừng vì Đức Maria đã có Chúa Giêsu ở cùng và đem Chúa đến cho họ. Rồi tại tiệc cưới Cana (x.Ga 2,1-12), khi chủ tiệc đang lo lắng vì hết rượu: tiệc sẽ mất vui, sẽ chóng tàn vì thiếu rượu. Đức Maria đã mang lại cho chủ tiệc và khách dự tiệc niềm vui hoan hỉ khi cầu xin Chúa Giêsu ra tay giúp họ. Niềm vui mà Đức Maria mang lại không phải tự bản thân Mẹ, nhưng vì Mẹ luôn có Chúa ở cùng và mẹ đem Chúa cho mọi người. Đó là niềm vui viên mãn.

Như thế, khi kêu cầu Đức Maria với những tước hiệu tuyệt vời như thế, các tín hữu muốn thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ và yêu mến của họ, cũng như để bày tỏ niềm tin của họ nơi Mẹ như là Lẽ Cậy Trông của họ. Nhưng tại sao các tín hữu phải kêu cầu Đức Mẹ? Vì họ đang phải sống trong hoàn cảnh đau thương.

2. Hoàn cảnh đau thương của các tín hữu

- Con cháu Evà tội lỗi: Vì bất tuân, ông bà nguyên tổ đã đánh mất tình nghĩa với Thiên Chúa và trở thành nguyên nhân mang tội lỗi vào trần gian “vì một người duy nhất đã phạm tội mà tội lỗi đã vào trần gian và tội lỗi đã lan tràn” (Rm 5,12). Và bởi vì bà Evà được gọi là “mẹ của chúng sinh” (St 3,18), nên các tín hữu cũng mang nơi mình sự yếu đuối và tội lỗi của phận làm người. Khi chú giải lời cầu xin thứ năm của Kinh Lạy Cha, Đức Bênêđictô XVI viết: “Lời cầu xin thứ năm trong Kinh Lạy Cha giả thiết một thế giới đầy dẫy sự xúc phạm – xúc phạm của con người với nhau, xúc phạm với Thiên Chúa; mọi lỗi lầm giữa con người với nhau cách nào đó đều mang một sự vi phạm đến chân lý và tình yêu và chống đối Thiên Chúa. Lỗi lầm đòi hỏi sự trả thù, tạo thành một chuỗi nợ mà sự bất hạnh cứ gia tăng, không dứt ra được3.

Là hình ảnh Thiên Chúa, nhưng vì tội lỗi, con người đã “biến chất”, đã chịu sự chi phối mạnh mẽ của quyền lực tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi trở thành một “mầu nhiệm” mà con người không sao lý giải được. Đó chính là cảm nhận của thánh Phaolo: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).

Vì sống trong hoàn cảnh đau khổ và sợ hãi do tội lỗi gây ra, các tín hữu càng có lý do để cậy đến lòng từ mẫu của Đức Maria. Tuy Mẹ luôn tinh sạch, vẹn tuyền trước nhan Chúa nhưng Mẹ hiểu được sự yếu đuối của con người nên Mẹ luôn lắng nghe tiếng hối nhân kêu xin.

Đó là nỗi đau tâm linh, sự đau khổ do tội lỗi gây nên. Bên cạnh đó, một đau khổ mà các tín hữu đang phải đối diện trực tiếp chính là cuộc sống lưu đày trần gian đầy đau khổ.

- Cuộc sống lưu đày trần gian đầy nước mắt: Lời Kinh Salve mô tả cuộc sống trần gian như là nơi châu luỵ, vũng nước mắt đau thương. Vì xem cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, Giáo Hội như đoàn lữ hành đang tiến về quê trời, các tín hữu đã xem trần gian như nơi lưu đày đầy dẫy khổ đau. Các tín hữu thời Trung Cổ đang phải đối diện với những khó khăn do hoàn cảnh xã hội gây ra. Tại Châu Âu, những cuộc chiến tranh dành vương quốc đang diễn ra quyết liệt. Các vua chúa, quận công, bá tước chia nhau đất đai, còn người dân thì đói khổ, phải làm tá điền cho người giàu. Thêm nữa, những nạn đói, những con dịch hoành hành đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người dân vô tội. Bên cạnh đó quân Hồi giáo đã chiếm được Tây Ban Nha và đang lăm le tiến vào Châu Âu với tham vọng tiến về Roma, lật đổ giáo hoàng và tiêu diệt Kitô giáo. Trong hoàn cảnh đau thương như thế, các tín hữu biết cậy vào ai? Vua chúa ư? Điều họ quan tâm là vương quyền, địa vị chứ không phải là nỗi khổ của dân chúng. Giáo Hội ư? Đó chỉ là một tập đoàn của hàng giáo sĩ đang tranh dành ảnh hưởng và bổng lộc. Các linh mục đang buôn thần bán thánh để làm giàu4 … Họ cũng làm lơ trước nỗi đau của dân chúng. Như thế, niềm hi vọng duy nhất các tín hữu còn lại chính là Thiên Chúa. Nhưng để bảo đảm cho niềm tin của mình, các tín hữu đã chạy đến với Trạng Sư là Đức Maria với tất cả sự tin tưởng vào tình mẹ đầy nhân ái của Mẹ.

Nhưng mục đích cuối cùng của niềm hi vọng mà các tín hữu trông chờ qua lời chuyển cầu của Đức Maria là gì?

3. Hiệu quả của niềm hi vọng nơi Đức Maria

Khi đọc Kinh Salve, nhiều người trong chúng con đã nghĩ rằng, đối tượng chính của niềm hi vọng mà các tín hữu hướng đến chính là Đức Maria. Bởi chưng, mọi lời nguyện, mọi lời than van và cầu xin đều hướng về Đức Mẹ. Tuy nhiên, khi cùng nhau suy niệm và phân tích các lời cầu xin, chúng con nhận ra rằng, trọng tâm của lời kinh chính là lời cầu xin: Xin cho chúng con được thấy Chúa Giêsu. Quả vậy, Chúa Giêsu mới là đích điểm cuối cùng mà lời kinh hướng đến. Đó chính là niềm hi vọng Kitô giáo.

Là những kẻ lữ hành đang bước đi trong “lũng nước mắt”, trong “nơi lưu đày”, các tín hữu vẫn chạy đến Đức Maria với một niềm hi vọng duy nhất là “được thấy Chúa Giêsu”, tức là đạt tới thiên đàng. Thế nhưng, thiên đàng có phải là một thế giới bên kia cuộc sống này để rồi chỉ cần thoát khỏi cuộc sống này, chúng ta sẽ hân hoan bước vào thế giới lý tưởng đó? Không! “Thiên đàng không phải là một nơi chốn đơn thuần mà là một thực trạng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và được yêu mến Ngài trọn vẹn5. Đức Bênêđictô XVI đã định nghĩa về thiên đàng như là nơi mà “sự hiện hữu của con người, nhờ Chúa Giêsu, có được chỗ đứng trong sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một người ở trong thiên đàng tuỳ mức độ người đó ở trong Chúa Kitô. Chính nhờ ở trong Chúa Kitô mà chúng ta tìm được chỗ ở thực trong Thiên Chúa”6.

Đức Maria vì là Mẹ Giáo Hội, hiểu được nỗi khát khao, mong mỏi của những người con đau khổ đang lầm bước trong trần gian châu luỵ mà lòng hằng hướng về nước trời. Do đó, có lẽ mối quan tâm độc nhất của Mẹ là kéo lôi chúng ta lại với Chúa Kitô và làm cho chúng ta được dự phần trọn vẹn vào nước Ngài. Bởi lẽ, không người mẹ nào mà không muốn con cái mình được hạnh phúc, Chúa Giêsu là hạnh phúc đích thực và viên mãn, nên Đức Maria cũng muốn chúng ta đạt tới hạnh phúc viên mãn chính là Chúa Kitô.

Xin cho chúng con được thấy Chúa Giêsu”, chỉ một lời nguyện ngắn ngủi nhưng đã làm nổi bật niềm hi vọng đích thực mà lời kinh Salve chất chứa. Đức Maria, dù được các tín hữu tin tưởng chạy đến cầu khẩn sự nâng đỡ, nhưng Mẹ vẫn chỉ là trung gian, là “hi vọng đệm” để các tín hữu vươn tới hi vọng đích thực và viên mãn là chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa Giêsu. Đó chính là niềm hi vọng được diễn tả trong Kinh Salve.

Tóm lại, qua lời Kinh Salve, chúng ta đã khám phá ra được niềm hi vọng cao cả mà các tín hữu hướng đến qua lời chuyển cầu và nâng đỡ của Đức Mẹ. Dù đang phải đối diện với những khó khăn của kiếp người gian khổ, nhưng họ vẫn hướng mắt về niềm hi vọng vinh quang là Đức Kitô. Là hậu thế, những người cùng chia sẻ một niềm tin và niềm hi vọng “được thấy Chúa Giêsu”, chúng ta cũng hãy “nhìn lên ngôi sao biển và kêu tên Maria7 để xin Đức Mẹ nâng đỡ, đồng hành trong cuộc lữ hành trần thế và cầu xin sự chở che, bênh đỡ của Mẹ trước toà Chúa.

Niềm hi vọng mà Kinh Salve diễn tả vẫn là một lời mời gọi mang tính hiện sinh cho chúng ta đang sống trong thế giới đầy nhiễu nhương hôm nay. Do đó, cùng hiệp thông trong niềm hi vọng và tin tưởng nơi Đức Maria, chúng ta cùng dâng lên Mẹ tất cả lòng yêu mến của những người con nhỏ bé qua việc sốt sắng dâng lên Mẹ những lời kinh nguyện, đặc biệt là thêm lòng yêu mến và tin tưởng nơi Mẹ mỗi lần hát Kinh Salve.

1 Nguồn Internet: ; www.nguoitinhuu.org.em

2 Kinh cầu Đức Maria.

3 Đức Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Nxb Tôn Giáo 2007, tr.155.

4 Tân Lịch Sử Giáo Hội, cuốn II Thời Trung Cổ từ năm 800-1500, Nxb Paris.

5 ĐHY James Ewake, Đức Maria dưới chân thập giá, bài giảng 16.

6 Đức Bênêđictô XVI, thông điệp Spe Salvi, ban hành năm 2007.

7 Thánh Bênađô, bài giảng về lễ sinh nhật Đức Maria.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO