PHẢI CHĂNG TU LÀ CHẠY TRỐN?
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi không hiểu biết lắm về chuyện tu trì. Là một Kitô hữu, tôi chỉ nghĩ đơn giản: tu là làm linh mục và chỉ thế thôi. Tôi không hề có ý định đi tu và còn rất khô khan trong việc giữ đạo nữa là đàng khác. Lúc ấy, nhiều người bạn ngoại giáo của tôi bảo rằng tu là con đường cùng cho những người đau khổ, chán đời, thất tình và thất nghiệp. Tôi không đồng ý với những ý kiến ấy nhưng cũng không quan tâm tìm câu trả lời.
Tuy nhiên nhờ những cuộc gặp gỡ và nói chuyện với một vài tu sĩ, tôi thấy rất có cảm tình vơi họ và thích nghe họ nói về chuyện tu trì cũng như đời sống đạo đức. Thi đại học xong, tôi vào tìm hiểu dòng Xitô Phước Sơn. Sự an tĩnh và bình an ở đâu thu hút sự tò mò của tôi nên tôi đã quyết định ở lại tìm hiểu đời sống và ơn gọi của dòng này.
Một thời gian sau, bạn bè tôi đến thăm, họ hỏi tôi rằng: “Tại sao cậu lại đi tu?”, tôi trả lời với vẻ hài hước: “Tớ đi trốn thế gian!”. Bạn tôi bắt bẻ: “Đi tu như vậy là hèn lắm! Là con trai phải đối diện với khó khăn để trưởng thành còn cậu lại bỏ trốn khi gặp khó khăn. Hoá ra cậu đi tu chỉ là để trốn chạy à?” Câu nói của bạn tôi làm tôi bỡ ngỡ và suy nghĩ rất nhiều. Dầu cho khi ấy tôi chỉ cười trừ và lái sang những câu chuyện khác, nhưng thời gian sống trong Đan Viện đã cho phép tôi suy nghĩ về mục đích của mình khi đi tu bằng việc trả lời cho câu hỏi: Tu phải chăng là chạy trốn? Và giờ đây, tôi hiểu rằng, nếu tôi không đạt được mục đích tìm Chúa trong đời tu, nếu tôi không thể hoà mình để yêu thương phục vụ mọi người thì chuyện tu trì của tôi sẽ giống như lý do đi tu mà bạn bè tôi đã nói, và khi đó đời tu của tôi sẽ vô nghĩa vì thực sự đó chỉ là một cuộc “chạy trốn”.
“Tu là chạy trốn”, câu nói ấy rất phổ biến nơi những người Phật giáo, bởi vì họ quan niệm “Đời là bể khổ” nên muốn thoát khổ thì phải tu thân tích đức. Đó là xét theo mặt tích cực; còn theo mặt tiêu cực, nhiều người chạy đến ‘nương nhờ cửa Phật’ vì đau khổ, thất tình hoặc trốn tránh loạn lạc. Ví dụ điển hình cho thái độ tiêu cực này là Nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau bao khổ ải vì tình duyên và chán chê vì thân phận bèo trôi, Kiều đã trốn vào chùa để được yên phận. Qua những cái nhìn về đời tu như một lối thoát như thế, thì quan niệm tu là chạy trốn quả không sai là bao.
Trong đạo Công giáo, câu nói “tu là chạy trốn” có thể bắt gặp vào thời Giáo Hội phát triển sau thời gian bách hại (sau năm 313). Có được đời sống bình yên, đời sống đạo của giáo dân bắt đầu sa sút đồng thời xã hội cũng rơi vào nếp sống truỵ lạc. Nhiều tín hữu nhiệt thành muốn tử đạo để làm chứng cho Chúa nhưng không thể được nữa vì không còn ai bách hại nên họ trốn vào sa mạc, xa lánh xã hội ồn ào náo nhiệt để sống cuộc đời nhiệm nhặt kham khổ hầu làm chứng cho Chúa bằng hình thức “tử đạo” mới. Thời gian này người ta gọi là “trào lưu chạy trốn thế gian”. Nhờ nếp sống mới này, Giáo Hội lấy lại được sức sống và vươn lên mạnh mẽ. Đáng buồn thay, khi Giáo Hội phát triển thì một lần nữa giá trị đời tu lại bị đánh mất. Lúc này, đi tu không còn là trốn chạy thế gian nữa mà là đi tìm sung sướng, danh vọng, chức tước…Nhiều gia đình quý tộc cho con đi tu và dâng một số tiền lớn để mong con làm Viện Phụ, Giám Mục, Linh Mục. May mắn thay, công đồng Trento và đặc biệt là công đồng Vaticano II đã canh tân khuynh hướng lệch lạc này khi có một định nghĩa thiêng liêng về đời tu: “Đời sống thánh hiến là theo sát Chúa Kitô”.
Theo sát Chúa Kitô là gì nếu không phải là chia sẻ những gì Ngài đã sống, đã làm và đã chịu? Con đường của Đức Kitô là con đường khổ giá, nghèo hèn, khiêm nhượng nhưng tràn đầy tình yêu thương. Một khi theo Đức Kitô, đi tu không còn gọi là chạy trốn nữa nhưng phải gọi là đi tìm. Bởi vì khi kêu gọi các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu không nói: ‘hỡi những ai chán đời, thất tình, thất nghiệp hãy đến cùng tôi’ nhưng Ngài nói: “Nếu con muốn nên hoàn thiện…hãy đến theo Tôi”. Muốn nên hoàn thiện nghĩa là muốn nên tốt hơn, muốn hạnh phúc hơn, muốn yêu đời hơn. Muốn có hạnh phúc người ta phải đi tìm mà các tu sĩ là những người muốn đi tìm hạnh phúc ấy nơi Thiên Chúa nên đi tu phải gọi là “đi tìm” chứ không phải là “đi trốn” như người ta nói hay như suy nghĩ của anh bạn tôi. Nhưng làm sao tu sĩ tìm được hạnh phúc trong đời tu? Thưa, vì họ đi tìm Thiên Chúa, nguồn của hạnh phúc đích thực và viên mãn. Một khi có Thiên Chúa, họ sẽ có tất cả. Hơn nữa, điều kiện để theo Chúa là tự nguyện và tự do, chỉ có tự do mới mang lại hạnh phúc. Chúa không bắt ta phải bước theo Ngài trong con đường tu trì vì Ngài tôn trọng quyền tự do của con người và vì tu trì không phải là con đường duy nhất dẫn con người đến với Ngài. Bởi thế, chúng ta có quyền chọn con đường mà mình cho là hạnh phúc và thích hợp. Nhưng một khi đã chấp nhận bước theo Chúa trong đời tu, người tu sĩ phải từ bỏ những gì vướng bận: “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” vì đó là điều kiện làm cho người tu sĩ trở nên thanh thoát và dứt khoát để tiến bước.
Cuộc sống trần gian có hạnh phúc và đau khổ nên khi muốn tìm hạnh phúc nơi Thiên Chúa trong đời tu, người tu sĩ phải vượt qua những hạnh phúc và chấp nhận những đau khổ của thế gian này. Bởi vì: “Tu sĩ sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” và “tu sĩ tránh điều thế gian tìm và tìm điều thế gian tránh”. Xa cách thế gian không hẳn là xa cách về thể lý nhưng quan trọng hơn là thanh thoát trong tinh thần. Trong nhiều dòng hoạt động, các tu sĩ tham gia vào các hoạt động mục vụ nơi giáo xứ, trường học, bệnh viện…họ đang sống giữa thế gian là vậy đó, nhưng họ không thuộc về thế gian vì họ không nhắm đến việc kiếm nhiều tiền, tìm danh vọng hay địa vị mà chỉ nhằm thực thi căn tính của ơn gọi và tôn vinh Thiên Chúa. Nếu nói đi tu là chạy trốn tại sao họ phải hi sinh cả tuổi thanh xuân để phục vụ những người nghèo, những bệnh nhân Sida, phong cùi…? Nếu trốn, sao họ không ở yên trong phòng không tiếp xúc với người khác và đóng chặt mắt lại trước nhịp tiến của thời gian?
Nói như trên, dòng chiêm niệm lại có vẻ đúng với quan điểm đi tu là chạy trốn, vì dòng không tham gia các hoạt động mục vụ bên ngoài, không tiếp xúc thường xuyên với sinh hoạt của xã hội. Trái lại, các đan sĩ chúng tôi hoàn toàn ẩn khuất trong nội vi đan viện, suốt ngày chỉ lao động và cầu nguyện. Nếp sống này phải chăng là môi trường tốt cho những ai chán đời tìm nơi ẩn náu?
Chắc chắn không phải như vậy! Người chán đời là người có cái nhìn bi quan về cuộc đời, họ luôn mang trong lòng nỗi buồn, thái độ mặc cảm nên sợ tiếp xúc, sợ bị dòm ngó và chỉ muốn yên phận thảnh thơi. Trong khi đó, Cha đáng kính Biển Đức Thuận, Tổ Phụ Dòng chúng tôi, lại khẳng định với các đan sĩ của ngài rằng: “Ai vui mới ở trong nhà dòng này được”. Thêm vào đó, nội vi đan viện không phải là nơi để nghỉ ngơi dưỡng xác mà là “Trường học phụng sự Thiên Chúa”, là “Xưởng Thợ”, trong đó, các đan sĩ phải vận dụng cả những phương thế vật chất lẫn thiêng liêng để phấn đấu vươn lên trong ơn gọi. Tiếp đến là những khó khăn trong đời sống chung vì nhiều người nhiều tính. Nếu đi tu vì ích kỷ trốn chạy, chắc chắn đan sĩ sẽ mau chóng chán nản và thất vọng với môi trường đan viện. Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, đi tu là đi tìm hạnh phúc mà người đi tìm hạnh phúc phải là người mang trong mình tâm trạng háo hức, hồi hộp, hi vọng nên cuộc sống của họ luôn sống động và ý nghĩa. Người đan sĩ chiêm niệm muốn đi vào trong nội vi tĩnh lặng của đan viện, xa rời sự ồn ào của thế gian là để tìm gặp Thiên Chúa “đối tượng duy nhất” của lòng họ. Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng, giây phút ở bên người yêu là giây phút hạnh phúc và vui tươi nhất. Cũng vậy, đan sĩ sống trong đan viện là sống trong sự kết hợp với Thiên Chúa, là ở bên Đấng mà họ yêu mến nên họ tràn ngập niềm vui và bình an trong tâm hồn. Chắc chắn họ không phải là những kẻ chán đời như người ta nghĩ mà ngược lại, họ yêu đời, yêu đời lắm vì đời sống trần gian là cơ hội và con đường dẫn họ tìm kiếm và đạt được hạnh phúc thật nơi Quê Trời.
Bằng việc tuyên khấn của mình, tôi xin khẳng định rằng đời tu không phải là một cuộc chạy trốn. Trước khi đi tu, tôi cũng như nhiều anh em khác đều có một tương lai rạng ngời đang chờ đón. Tôi còn trẻ và cuộc đời tôi không bế tắc. Tôi chọn đời tu vì đó là lý tưởng của tôi. Mơ ước của các bạn có thể là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên…nên các bạn chọn hướng đi phù hợp với mục đích ấy. Mơ ước của tôi là góp phần vào sứ vụ của Giáo Hội để cứu rỗi các linh hồn qua cuộc đời gắn bó với Đức Kitô. Lời khấn tôi sẽ đọc lên minh chứng cho sự gắn bó ấy. Tôi đi tu vì lý tưởng ấy và tôi yêu mến con đường tôi đã chọn. Và giờ đây, như thánh Phêrô, tôi sẽ dám “làm chứng cho những người hạch hỏi” về lý do đi tu của tôi cũng như cho mục đích mà ơn gọi đan tu mang lại cho cuộc đời tôi.
Với một vài suy nghĩ trên, hi vọng mọi người sẽ hiểu rằng đời sống tu trì không phải là môi trường cho những ai chán đời chạy trốn, nhưng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa cho những tâm hồn yêu mến và tìm kiếm Ngài. Đời tu chỉ thực sự ý nghĩa khi người đi tu biết không ngừng tìm kiếm, không ngừng yêu mến để có thể tìm gặp Thiên Chúa trong tâm hồn và lan toả tình yêu cuả Ngài cho tha nhân qua đời sống bác ái. Như thế, đi tu là đi tìm hạnh phúc thiêng liêng nơi Thiên Chúa chứ không phải là một cuộc “chạy trốn”.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét