Hỏi: Một bạn Phật Giáo cho rằng so với Đức Phật, Chúa Giêsu nhân danh sự hy sinh để đòi hỏi sự đền đáp. Như vậy không phải là tình yêu vô điều kiện.


ĐÁP.
Câu hỏi này có 2 vấn đề cần bàn tới:

- Đức Phật cứu nhân độ thế vô điều kiện, không đòi đền đáp; còn Đức Giêsu hy sinh và đòi đền đáp.
- Đón nhận ơn cứu độ (sự hy sinh) là tùy sở thích chứ không thể bắt buộc.
Chúng ta cùng bàn tới từng vấn đề.
  1. So sánh sự cứu độ của Đức Phật và Đức Giêsu
Phật Giáo nguyên thủy xem Đức Phật là người khai mở một tôn giáo mới, giúp con người thoát khổ, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử để đạt tới niết bàn. Theo niềm tin nguyên thủy này, Đức Phật không phải là đấng cứu thế, mà chỉ là người chỉ đường. Ngài không thể cứu độ ai, nên cũng không thể nói là "hy sinh cho thế gian mà không đòi đền đáp". Ngài giành cuộc đời để tìm kiếm lối thoát trước hết là cho chính ngài. Rồi sau khi đã "giác ngộ", ngài mới đi rao giảng con đường mới này. Câu nói nổi tiếng của ngài là: "Hãy tự cứu lấy mình".
Phật Giáo sau này đã "mất gốc" lệch xa khỏi giáo lý nguyên thủy, giáo lý và niềm tin thay đổi theo hướng tôn sùng Đức Phật thành "chúa" với quyền năng vô song, thần thông biến hóa và có khả năng cứu độ chúng sanh. Như vậy thì đức phật trong phật giáo mới này là sản phẩm do con người tạo ra chứ không phải Đức Phật nguyên thủy. Trong khi đó, để có cái nhìn đúng đắn, chúng ta chỉ nên dựa vào phật giáo nguyên thủy. Trong đó, Đức Phật chỉ là một vị thánh chứ không phải đấng cứu thế. Và xét cho kỳ cùng, Phật Giáo là tôn giáo "tự giải thoát".
Đức Giêsu Kitô trong đức tin của Kitô Giáo, ngay từ đầu đã được mặc khải và được tôn vinh, được tin tưởng là Con Thiên Chúa, Đấng Kitô cứu thế. Ngài đã nhập thể làm người và hy sinh mạng sống để giao hòa con người với Thiên Chúa: "Thiên Chúa không sai con của Người đến để xét xử thế gian, nhưng để ai tin vào Ngài thì được cứu độ". Ngài tuyên bố rõ ràng rằng : "Ta là đường, là sự thật và là sự sống". Như vậy Ngài chính là cùng đích chứ không chỉ là người mở đường hay là "ngón tay chỉ mặt trăng" mà thôi.
Ngài có đòi hỏi đền đáp khi hy sinh cho trần gian không? Thưa không, hành động hy sinh của Ngài phát xuất từ tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha, và tiếp đó là tình yêu dành cho nhân loại. "Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu". Đây là một tình yêu nhưng không, vô điều kiện. Đòi hỏi của Ngài có chăng là lời kêu gọi những ai muốn được cứu độ hãy tin vào Lời của Ngài: "NẾU anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ Lời Thầy". Ngài không đòi hỏi chúng ta đền đáp cho sự hi sinh của Ngài, mà đúng hơn là vì chúng ta.
Xin lấy ví dụ của bạn 
Nguyên Bảo Trương
: "Có một gia đình nọ, có người con bỏ nhà đi bụi. Nó sống lây lất đầu đường xó chợ, nợ giang hồ, nghiện xì ke. Người cha rời nhà đi tìm đứa con, thay nó trả nợ, cùng nó vào trại cai nghiện để chăm sóc cho nó. Vậy khi người cha mong muốn nó về nhà có phải là vì ông muốn đền đáp không? Hay vì muốn tốt cho nó?".
2. Đón nhận ơn cứu độ (sự hy sinh) là tùy sở thích: "Bạn thích thì nhận, không thì thôi".
Ở điểm này, thực ra Đức Phật cũng như Đức Giêsu có nét tương đồng, đó là chỉ rao giảng kêu gọi, chứ không hề áp đặt, không ai bị bắt buộc tin các ngài nếu họ không muốn.
Đức Giêsu kêu gọi người ta sám hối, đón nhận Tin Mừng, thay đổi đời sống không phải là một đòi hỏi đáp trả, mà hoàn toàn là vì họ. Sự đón nhận đó hoàn toàn do tự do của con người và vì lợi ích của họ, chứ không phải là đền đáp. Bởi chưng, con người nhỏ bé không thể nào đền đáp cân xứng nổi tình yêu của Thiên Chúa.
Hành động hi sinh của Đức Giêsu vì tình yêu chứ không phải vì vụ lợi. Và do đó, sự đáp trả của con người khi đón nhận và tin vào Ngài không phải là sự ép buộc, mà là một sự đáp trả của tình yêu. Nó không khác gì việc con cái nhận ra tình thương của cha mẹ nên sống hiếu thảo để đền đáp, dù cha mẹ không đòi hỏi.
Và đi đến phần kết, chúng ta nêu câu hỏi: "Tại sao trong Phật Giáo, người ta không thấy sự gò bó của lề luật hay áp lực của tội lỗi như Công Giáo?".
Thứ nhất, vì cơ cấu của Phật Giáo và Công giáo khác nhau. Trong khi cơ cấu tổ chức của Công Giáo rất chặt chẽ, giáo luật khá chi tiết và được phổ biến tới mọi tín hữu. Cơ cấu sinh hoạt của từng đoàn thể, giáo họ, giáo xứ, giáo phận cũng rất chặt chẽ. Thế nên khi ở trong những cơ cấu, người ta dễ cảm nhận những ràng buộc của qui định. Trong khi đó, giới luật của Phật Giáo tướng đối mềm mỏng, và áp dụng trước hết cho người xuất gia tu tập, còn phật tử ở ngoài thì ai muốn giữ thì giữ chứ không có tính bắt buộc. Cơ cấu của giáo hội Phật Giáo cũng lỏng lẻo hơn, không rõ ràng và tập trung như Công Giáo.
Thứ hai, và đây là mấu chốt, vấn đề nằm ở cách nhìn của con người hơn là thực tại của tôn giáo. Nếu xét về luật lệ, thì xã hội và tôn giáo nào cũng có luật. Và luật là để duy trì trật tự, là hàng rào bảo vệ và nhắc nhở con người (như thanh chắn hai bên đường để nhắc nhở người tham gia giao thông). Xã hội dân sự cũng có vô số luật, nhưng chúng ta không cảm nhận nó nếu không vi phạm. Một người công dân tốt không sợ luật, chỉ người xấu hay người có âm mưu làm điều xấu mới sợ luật. Phật giáo cũng có nhiều luật, nhưng vì như phần trên đã nói, cơ cấu không chặt chẽ thì việc áp dụng luật không cụ thể và do đó người ta cảm thấy không bị gò bó. Nhưng những phật tử nghiêm túc vẫn luôn giữ đúng giới luật. Một số người Công Giáo cảm thấy bị gò bó bởi lề luật, thực ra vì họ chưa có tình yêu, chưa hiểu rõ đạo, và nhất là họ "bị đụng" tới luật, đặc biệt các nố về hôn nhân và tình dục. Trái lại, nếu người ta tin và cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa là để cứu độ linh hồn mình, thì họ sẽ không bị gò bó mà vui tươi chu toàn lề luật.
Để kết, xin trích dẫn lời thánh tông đồ Gioan : "Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi" (1Ga 4,18); và lời thánh Phaolo: "Yêu thương là chu toàn lề luật". (Rom 13,10)
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO