HỎI. Tình trạng nào nơi người lãnh nhận khiến cho một bí tích không thành sự? Có ngoại lệ không?
ĐÁP.
Trong các trường hợp thông thường của một tín hữu, thì theo giáo luật hầu hết các bí tích bị ngăn trở thành sự khi người lãnh nhận KHÔNG TỰ DO hoặc có LỪA DỐI (không thành thật hoặc bị lừa dối). Bởi chưng, ân sủng không loại bỏ tự nhiên và không đi ngược lại quyền tự do của con người. Do đó, nếu người lãnh nhận không có lòng muốn tự do, nhưng bị ép buộc; hoặc không chân thành nhưng gian dối thì ngăn trở bí tích.
Trước khi cử hành một bí tích, vị chủ sự luôn hỏi về sự tự do của người lãnh nhận, ví dụ như khi rửa tội cho người lớn, chủ sự sẽ hỏi: "Con xin gì?" và dự tòng cần nói lên lòng muốn tự do của mình: "Thưa con xin đức tin!." Tương tự như thế khi cử hành bí tích hôn phối hay truyền chức. Thậm chí trong nghi thức khấn dòng, dù không phải là bí tích, nhưng các ứng sinh cũng cần bày tỏ sự tự do khấn hứa.
Sự chân thành không gian dối cũng là điều kiện để bí tích thành sự. Ví dụ khi xưng tội, nếu hối nhân không chân thành xưng thú tất cả tội lỗi, mà giấu giếm, nói giảm, nói tránh cho nhẹ tội... đều khiến cho việc xưng tội trở nên vô ích và còn mắc thêm tội gian dối.
Hai điểm trên đây cũng là cơ sở để Giáo Hội tuyên bố bí tích Hôn Phối không thành sự. Tức là khi thụ nhân bị ép buộc, bị lừa dối hay gian dối, thì bí tích đã không thành sự dù đã được cử hành đúng nghi thức.
Ngoại lệ là bí tích Thánh Thể. Bí tích này luôn thành sự khi linh mục cử hành đúng nghi thức qui định, bất chấp tình trạng của người cử hành (ví dụ linh mục bị huyền chức, hay mắc tội trọng), hay tình trạng của người lãnh nhận (không tin, bị vạ tuyệt thông, không tự do...). Bởi chưng, việc thành sự của bí tích Thánh Thể nằm ở năng quyền của Chúa biến bánh và rượu thành Máu Thịt Đức Kitô, chứ không lệ thuộc vào yếu tố con người.
Ngoại lệ tiếp theo là bí tích truyền chức thánh. Bí tích này thành sự do năng quyền của giám mục chứ không phụ thuộc vào tình trạng của thụ nhân, cho dù có vấn đề lừa dối (nếu có) xảy ra.
Một ngoại lệ khác là việc rửa tội cho trẻ em. Mặc dù trẻ em sơ sinh chưa có khả năng nói lên tự do của chúng, nhưng khi ấy cha mẹ nói lên ước muốn này thay cho con cái, và do đó bí tích thành sự. Hơn nữa, việc xin cho rửa tội cho con nên hiểu là bổn phận của cha mẹ và là đặc quyền - ơn cứu độ là đặc quyền - chứ không phải là tự do muốn hay không. Bởi Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.
Trường hợp thụ nhân không đủ điều kiện theo giáo luật chẳng hạn chưa rửa tội, chưa đủ điều kiện hay bị vạ tuyệt thông không được bàn tới ở đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét