NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA GẬY MỤC TỬ


Gậy mục tử nói lên quyền lãnh đạo của giáo hoàng, giám mục (và viện phụ) trên giáo hội hoàn vũ, giáo hội địa phương hay trong đan viện. Đúng như tên gọi của nó, gậy mục tử nguyên thủy là của người chăn súc vật. Cây gậy này thường có đầu cong và xẻ rãnh nhỏ để có thể hất tung đất đá tới những con cừu xa đàn hoặc để móc vào chân (hoặc cổ) những con vật bướng bỉnh không đi theo đàn để kéo chúng về đàn. Gậy mục tử trở thành biểu tượng sự tỉnh thức của mục tử lo lắng canh giữ đàn chiên và dẫn chúng tới đồng cỏ màu mỡ. Từ đó người ta dễ dàng chuyển ý nghĩa chiếc gậy sang lãnh vực con người và lãnh vực thiêng liêng, nhất là như đã được sử dụng trong Thánh Kinh (xc. Tv 22,4; Ga 10; Lc 15,3-7).

Không chỉ Kitô giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng dùng gậy như biểu tượng của thủ lãnh, và thậm chí còn được sử dụng từ xa xưa. Riêng trong Kitô Giáo, gậy mục tử lần đầu tiên được sử dụng là thế kỷ thứ IV, sau khi công nhận Công giáo là quốc giáo, hoàng đế Constantin đã ban cho giám mục Roma cây gậy như biểu tượng của quyền bính. Tuy nhiên lúc ấy các giám mục vẫn chưa sử dụng gậy mục tử thường xuyên. Đến thế kỷ thứ VII, lần đầu tiên Theodor thành Canterbury là viện phụ và sau đó là tổng giám mục, đã sử dụng gậy mục tử trong lễ nhận chức của ngài.

Vào thời kỳ đầu, gậy mục tử được xem là biểu tượng của quyền bính, tương tự như phương trượng của vua chúa, do đó, gậy của giáo hoàng là gậy thánh giá, nói lên quyền uy của giáo hoàng như vua và thủ lãnh tối cao của Giáo Hội. Từ đây có sự phân biệt giữa gậy thánh giá của giáo hoàng, và gậy mục tử có đầu cong của các giám mục và viện phụ/ viện mẫu.

Về mặt lịch sử, Giáo Hoàng không sử dụng gậy mục tử uốn cong như giám mục bình thường. Lý do là các giám mục được ban gậy mục tử bởi một giám mục khác, trong khi Giáo Hoàng không lãnh nhận năng quyền từ con người, mà là từ chính Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô viết thêm "Giáo Hoàng Rôma không sử dụng gậy mục tử, vì đó là dấu chỉ của một uy quyền bị giới hạn, mà nét cong trên đầu gậy biểu thị."

Vào khoảng cuối thế kỷ XIV nổ ra cuộc tranh luận về vấn đề thần quyền và thế quyền. Sau đó, Giáo Hội bắt đầu bị mất đi tầm ảnh hưởng trên thế quyền, và do đó gậy thánh giá của giáo hoàng - biểu tượng của quyền bính - không còn được sử dụng, hay đúng hơn là các giáo hoàng tránh sử dụng nó. Mãi tới thế kỷ XIX, giáo hoàng Pio IX được tặng gậy thánh giá và ngài đã sử dụng trong các dịp đặc biệt. Và cũng từ đó, gậy thánh giá mới được các giáo hoàng sử dụng lại sau hơn 4 thế kỷ "biến mất".

Tuy gậy thánh giá là biểu tượng quyền bính tối cao của giáo hoàng, nhưng không hề có luật qui định là giáo hoàng phải sử dụng mẫu gậy nào. Tương tự như thế, truyền thống gậy mục tử của giám mục là có đầu uốn cong, nhưng cũng không có luật qui định bắt buộc như thế, cho nên có một số giám mục sử dụng gậy thánh giá - tuy lạ mắt và gây thắc mắc - nhưng không sai.

M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO