Chúa của đạo Công Giáo và Ông Trời (Thượng Đế) của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.


Phần 1: Niềm tin vào ÔNG TRỜI trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Là một dân tộc có xuất xứ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người Việt, từ xa xưa, đã phải dựa vào trời. Dư dật, no đủ hay thất bát đều do trời. Thế nên, trời - đất là hai yếu tố gắn liền với người nông dân theo quan niệm “trời sinh đất dưỡng”
“Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau …”
Hay
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm …” (Ca Dao).
Dưới mắt người Việt, Ông Trời thật quyền năng nhưng cũng thật hảo tâm, thương người. Do đó, họ luôn hướng về trời với một lòng biết ơn. Tín ngưỡng thờ trời phát xuất một cách tự nhiên từ lòng biết ơn này. Trời được xem là một thế lực thiện, che chở bảo vệ chúng sinh, nuôi dưỡng vạn vật, để cho nhân loại nương tựa vào đấy mà sống còn, mà kinh sợ, làm thiện được thưởng, làm ác bị phạt. Chính vì thế “người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp lớn nhỏ, tri thức hay bình dân, không cứ thuộc tôn giáo nào … đều gần gũi với Trời như với Đấng Tối Cao và tối linh. Có thể nói: ý niệm tôn giáo truyền thống sâu rộng nhất của dân tộc chúng ta là Thờ Trời”.
Nhận định về ý niệm trời trong đời sống của người Việt, linh mục L.Cadière đã viết: “Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ TRỜI thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn nhân dân Việt Nam. Trời coi như nguyên lý các hiện tượng thời tiết và nhân cách hóa. Trời coi như một Đấng Toàn Năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của loài người … Ý niệm ấy đã thấm nhuần quá thâm sâu vào tâm hồn Việt Nam và đã biểu hiện quá phổ thông trong ngôn ngữ bình dân”.
Trời, dường như không còn khoảng cách với con người. Trời gắn bó, thân thiết đến độ chữ “trời” nằm trên đầu môi của người Việt trong mọi hoàn cảnh: Đau khổ cũng kêu trời, ngạc nhiên cũng kêu trời, hạnh phúc cũng kêu trời … Nói như linh mục Nguyễn Thế Thoại, trong tâm thức của người Việt, “trời hiển nhiên có, không cần chứng minh”.
Lòng biết ơn Trời được thể hiện cụ thể trong những kiểu nói của người Việt như: nhờ trời, tạ ơn trời, đội ơn trời đất; hay qua những nghi thức thờ trời rất phổ biến nơi các gia đình là bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà; trọng thể hơn nữa là Lễ Tế Giao tại Tế Đàn Nam Giao mà hoàng đế thay mặt toàn dân tế lễ trời đất để tạ ơn và khẩn cầu cho quốc thái dân an.
Tóm lại, niềm tin vào Ông Trời khá là hiển nhiên và phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Nhưng hình như người ta không xác định Ông Trời ấy là một ngôi vị cụ thể. Niềm tin đơn thành chỉ biết đấng ấy là thượng đế, là ơn trên, là đấng bề trên, là tạo hóa hay thậm chí được huyển một cách mơ hồ thành duyên số.
M. Hạnh Tử
Hình minh họa: Bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà của người Việt


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO