NHỮNG HIỂU LẦM/ HIỂU SAI PHỔ BIẾN ĐỐI VỚI CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM (tiếp theo)
3. Đạo Công Giáo mở đường cho thực dân vào xâm lược Việt Nam
Sai, vì:
Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ 16 (1550-1583), tức là trước các chế độ thực dân từ 1 đến 2 thế kỷ, vì mãi đến thế kỷ 19 (1858) Pháp mới tấn công Việt Nam. Thời xưa do phương tiện đi lại còn hạn chế, các vị thừa sai thường "quá giang“ các tàu buôn và tàu chiến phương tây đi khắp nơi để truyền đạo. Việc truyền giáo này không bao giờ có mục đích chính trị. Còn việc đạo Công Giáo bị bách hại thường là do nhà cầm quyền muốn trả đũa khi bị phương tây o ép chính trị, chứ không phải vì các giáo sĩ và tín hữu Công Giáo làm loạn. Lịch sử các thế kỷ trước không hề nghi nhận một cuộc nổi dậy nào của người Công Giáo.
Việc các vị thừa sai cầu cứu chính phủ thực dân thì sao? Thưa, vì bị bách hại quá dữ dội, các nhà thừa sai cần sự bảo vệ cho bản thân và cho các tín hữu, và lẽ dĩ nhiên là họ hướng về chính phủ của họ, bởi họ đang bị chính quyền sở tại bách hại. Họ cầu cứu, cầu xin sự giúp đỡ chứ không hề là âm mưu xâm lược chính trị gì cả. Lấy ví dụ thế này, người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở một đất nước nào đó, mà bị dân bản địa đàn áp, thì phản ứng tự nhiên là người Việt sẽ tìm đến đại sứ quán Việt Nam để cầu cứu và mong được chính phủ Việt Nam hỗ trợ, bảo vệ. Đây là điều rất dễ hiểu, nhưng tiếc rằng người ta đã tuyên truyền sai sự thật, biến người Công Giáo thành tay sai của thực dân trong khi thực ra họ là nạn nhân của những cuộc trả đũa chính trị.
Và tóm lại, lời tố cáo „CG là tay sai của thực dân“ là lý lẽ của bên thắng cuộc. Kẻ thắng nói gì chẳng được! Hơn nữa đây cũng là cách hạ nhục người khác, sau khi đã bắt họ ngoan ngoãn qui phục mà không được, thì quay sang kết tội và qui chụp. Bằng chứng là lời tố cáo kia không hề có căn cứ vững vàng, mà chỉ được lan truyền và lặp lại một cách sáo rỗng mà thôi, nhưng đáng buồn là nhiều người dễ dàng tin một cách vô điều kiện.
4. Nếu đạo Công Giáo tốt, tại sao không được ưa chuộng?
Vì bị hiểu lầm, hiểu sai và sự tục hóa của xã hội.
Hiểu lầm: Như đã trình bày ở mục trên, từ xa xưa, các nhà truyền giáo thường "đii ké“ thuyền buôn hoặc tàu chiến để đến các vùng truyền giáo. Rồi vì là "người tây phương“, công dân của nước xâm lược, nên họ bị nghi kị và bách hại. Và khi họ cầu cứu sự bảo vệ của chính phủ quê hương, lại bị cho là cấu kết ngoại bang xâm lược, nên càng bị thù ghét và bắt bớ như một sự trả đũa.
Sự tuyên truyền sai lạc: Cho đến nay, tư tưởng thù ghét và thành kiến đạo Công giáo vẫn còn rất mạnh và phổ biến trong xã hội Việt Nam. Những luận điệu sau đây vẫn còn được nhắc đi nhắc lại như một kiểu nhồi sọ: Công Giáo là tay sai thực dân đế quốc dẫn đường cho tây phương xâm lược Việt Nam; Công Giáo là đạo của tư bản, không phù hợp với Việt Nam; ... Mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã có rất nhiều thích nghi đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II (1962-1965) cho phép Giáo Hội địa phương "sống đạo giữa lòng dân tộc", hội nhập văn hóa và đón nhận nhiều truyền thống của địa phương vào trong nếp đạo. Nhưng những luận điệu tuyên truyền sai trái vẫn chưa được xóa bỏ, khiến không ít người Việt dị ứng và không thiện cảm với đạo Công Giáo. Từ những thành kiến này, họ không còn hứng thú tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo mà chỉ giữ khoảng cách và thậm chí là chống đối.
Sự tục hóa của xã hội: Cùng với sự phát triển vượt bậc về mọi lãnh vực thì thế giới ngày nay cũng rơi vào tình trạng tục hóa, nghĩa là vật chất lấn át tinh thần và tâm linh. Khi cuộc sống trở nên thoải mái và dễ dãi, người ta dần hài lòng và thỏa mãn với những gì đang có mà quên đi nhu cầu tâm linh, thậm chí cho rằng niềm tin tâm linh là không cần thiết nữa. Đôi mắt và đôi tai thể lý người ta ngập đầy những hình ảnh và âm thanh hỗn tạp, nhưng đôi mắt và đôi tai tâm hồn lại mù lòa và điếc lác. Trong khi đó, vì Công giáo luôn kêu gọi một sự từ bỏ, một sự hãm mình kiêng bớt, làm chủ giác quan, lên tiếng chống lại các ý thức hệ sai lạc nhân danh tự do, nên thường bị chê bai là cổ hũ bảo thủ và bị thù ghét như là ngăn cản sự tiến bộ của xã hội và rồi bị bách hại bằng những hình thức khác nhau.
Nhận xét
Đăng nhận xét