Phần 3: Thiên Chúa của đức tin Kitô Giáo/ Công Giáo

 Chúa của đạo Công Giáo và Ông Trời (Thượng Đế) của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Phần 3: Thiên Chúa của đức tin Kitô Giáo/ Công Giáo
Kitô Giáo/ Công Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo với niềm tin độc thần, tin một Thiên Chúa duy nhất. Và Thiên Chúa này, như tôi đã trình bày trong phần trước, chính là Thượng Đế (Ông Trời) trong niềm tin của người Việt. Điều này được tông đồ Phaolo trình bày rất rõ ràng: ""Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự ... Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói : 'Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người." (Cv 17,24-26. 28).
Kitô Giáo tiếp nhận truyền thống đức tin, Kinh Thánh và phụng tự của Do Thái Giáo với những sửa đổi thích nghi riêng. Sự khác biệt duy nhất và lớn nhất giữa Kitô Giáo đó là tin rằng Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập đạo, là Thiên Tử (con trời) đồng thời chính là Thiên Chúa (Ông Trời). Trước tiên chúng ta hãy nói về sự kiện lịch sử đã xảy ra với Đức Giêsu. Sự kiện này không chỉ được các sách của Công Giáo, mà còn được các sử gia ngoại giáo ghi lại một cách trung lập. Đức Giêsu người Nazareth thuộc Israel là một nhà thuyết giảng đạo đức và sáng lập tôn giáo. Ngài đã rao giảng những điều tương đối mới lạ đặc biệt về giới luật yêu thương, và giới thiệu về Thiên Chúa, Đấng mà người Do Thái tôn thờ từ lâu nhưng không hiểu rõ. Đức Giêsu cũng kêu gọi dân chúng quay về với ý nghĩa cốt lõi của lề luật, bởi vì tầng lớp lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã biến lề luật tôn giáo mà họ vốn tin là do Thiên Chúa ban, thành phương tiện quản lý và chèn ép con người. Người ta giữ luật kiểu hình thức, mà quên mất ý nghĩa trọng tâm là tình yêu.
Hoạt động của Đức Giêsu gây ra mâu thuẫn với nhóm lãnh đạo tôn giáo Do Thái, khiến họ bị mất ảnh hưởng trên dân chúng, và nhiều phen bị bẽ mặt khi tranh luận với Ngài. Sự tự ái và ích kỷ đẩy họ tới quyết định giết Đức Giêsu nhân danh lề luật. Họ tố cáo Ngài vi phạm lề luật, lộng ngôn và phạm thượng. Rồi để có đủ căn cứ để giết Ngài, họ đã kết án Ngài âm mưu nổi loạn, tự xưng là vua người Do Thái, tức là muốn đối đầu với hoàng đế Roma, lúc bấy giờ đang đô hộ Israel. Vì lý do này, Đức Giêsu bị kết án tử và bị đóng đinh trên thập giá dưới thời tổng trấn Phongxio Philato, vào khoảng giữa những năm 33-40 (s. CN).
Điều lạ lùng nhưng hết sức thuyết phục khiến chúng ta phải chú ý đến Đức Giêsu đó là sự trùng hợp nơi Ngài tất cả những điều mà Lề Luật và lịch sử Do Thái đã tiên báo từ khoảng 700 trước đó. Những cuốn sách mà người Do Thái tin là sách Luật và các ngôn sứ (thầy dạy) trong quá khứ, đều giới thiệu về một nhân vật sẽ xuất hiện để giải phóng dân tộc - Đấng Mêsia của Đức Chúa. Những lời tiên báo có màu sắc chính trị và cũng được dân chúng nghĩ theo hướng chính trị khi đất nước Israel bị các cường quốc xâm chiếm và đô hộ.
Tuy nhiên, xen lẫn với các tiên báo về một nhân vật anh hùng, là tiên báo về một nhân vật chịu nhiều đau khổ, bị bắt bớ hành hạ và bị giết trên thập giá. Tất cả những điều này hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, từ lời nói, đến việc làm và kết quả. Thậm chí những chi tiết nhỏ nhất như việc Ngài bị đối xử thế nào, bị cướp áo và chia chác ra sao, đến việc Ngài chết thế nào, đều phù hợp hoàn toàn với những điều được ghi chép trước đó hàng trăm năm.
Sẽ là không đáng tin nếu những cuốn sách kia được viết sau khi Đức Giêsu chết, bởi người ta có thể phịa ra, hư cấu cho phù hợp với sự kiện như những cuốn tiểu thuyết hư cấu dựa trên cốt truyện có thật. Trái lại, những cuốn sách ấy được viết trước Đức Giêsu từ 700 năm, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ và không thể phủ nhận.
Giáo lý của Do Thái Giáo từ xa xưa đã tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và con người. Và con người đã phản bội Thiên Chúa, tức là đã phạm tội bất trung và do đó phải chịu đau khổ. Người Do Thái luôn tin rằng, đau khổ là hậu quả của tội lỗi; ngay cả việc đất nước họ bị xâm chiếm, dân chúng phải làm nô lệ... đều là hậu quả do tội bất trung. Thế nên, đấng sẽ đến giải thoát họ vừa là một vị vua, vừa là một vị lãnh tụ tôn giáo đưa dân chúng trở về với niềm tin chân thành vào Thiên Chúa.
Trong hướng nhìn về tội lỗi và ơn tha thứ này nơi Đấng Mêsia, một lần nữa chúng ta lại thấy ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu Nazareth. Khi rao giảng Ngài luôn công khai tuyên bố rằng Ngài là Con Thiên Chúa (ông trời con) và đỉnh điểm là dùng cái chết của mình để làm chứng cho điều đó. Do đó, lời giảng của Ngài hết sức thuyết phục nhờ hành động cụ thể. Từ mặc khải của Đức Giêsu, giáo lý Kitô Giáo nhận biết Thiên Chúa (Ông Trời) cách cụ thể rõ ràng hơn, và đi tới giáo lý về Chúa Ba Ngôi - Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa (thượng đế) duy nhất.
Như vậy xét từ căn bản, đức tin Kitô Giáo/ Công Giáo là một sự nối tiếp và phát triển dựa trên mặc khải Kinh Thánh niềm tin của Do Thái Giáo. Điều này có nghĩa rằng, Thiên Chúa mà Kitô Giáo tin vẫn chính là Đức Chúa Yahweh của Do Thái Giáo và cũng chính là Thượng Đế trong niềm tin của người Việt.
Trong phần tới, tôi sẽ đề cập tới những hiểu lầm, hiểu sai mà nhiều người Việt thường gặp phải, đưa tới sự phủ nhận quyết liệt Thiên Chúa của Kitô Giáo/ Công Giáo.
(Còn tiếp)
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO