"Hiệp nhất không có nghĩa là cùng thuộc về một Hội Thánh Công Giáo!“


Đây là lý luận của những người thuộc các Hội Thánh Kitô khác không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Họ lấy lý do Công Giáo đã lạc xa với Giáo Hội sơ khai, tự ý sửa đổi Kinh Thánh, giáo sĩ trị và các giáo hoàng nhu nhược kém cỏi, để cho nhiều lạc giáo nảy sinh trong nội bộ. Đối với nhóm người này, phân ly khỏi Công Giáo được xem là một cuộc cải cách cần thiết, là trở về nguồn ban đầu của Kinh Thánh... Thế nên đối với họ, ơn cứu độ nằm ở niềm tin vào Chúa Kitô mà không cần phải thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Thêm nữa, theo họ, Giáo Hội không có nghĩa là một cơ chế duy nhất như Công Giáo La Mã hiểu, mỗi cộng đoàn là một Giáo Hội độc lâp. Thậm chí họ con cho rằng Chúa Kitô không đòi hỏi duy trì mô hình một Giáo Hội duy nhất. Do đó, họ cho rằng hiệp nhất không có nghĩa là cùng thuộc về một Giáo Hội, đặc biệt là Công Giáo La Mã.
Lý luận này nghe qua có vẻ logic, nhưng nếu tìm hiểu kĩ càng đặt trên nền tảng Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy nó không đứng vững. Quả thật, nếu ai tin Kinh Thánh là lẽ thật, là Lời Chúa thì phải nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua Giáo Hội duy nhất và Chúa Kitô cũng đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của những ai thuộc về Ngài. Sự hiệp nhất này phải diễn tả cụ thể trong một Giáo Hội duy nhất.
Mời bạn cùng tìm hiểu những vấn đề đã được Kinh Thánh trình bày.
Qua tiến trình lịch sử cứu độ được trình bày trong Cựu Ước, chúng ta nhận thấy một điểm rõ nét, đó là, Thiên Chúa luôn tuyển chọn một nhóm nhỏ, một dân riêng để thực hiện chương trình của Ngài. Cả nhân loại có bao nhiêu bộ tộc, nhưng ngài đã chọn Abraham và bộ tộc của ông, tiếp đến là dân Israel để mặc khải chương trình cứu độ. Mặc dù khi ấy các bộ tộc và các nước xung quanh vấn tin kính thần minh, nhưng Gia-về không chọn mặc khải cho tất cả.
Rồi ngay trong 12 chi tộc của Israel, Thiên Chúa cũng chỉ tuyển chọn chi tộc Giuđa làm lãnh đạo, chi tộc Lê-vi làm tư tế, chứ không chọn bừa bãi bất kể mọi chi tộc. Ngài đã đảm bảo lời hứa: "Vương trường sẽ không rời khỏi nhà Giuda“ (St 49,10). Rồi lời hứa ban Đấng Cứu Độ cũng sẽ là từ dòng dõi Đavit của chi tộc này (x. Is 11,1). Ngay cả khi đất nước bị chia đôi thành 2 vương quốc Giu-đa và Isarel, hay khi 2 vương quốc này sụp đổ và dân phải đi lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa vẫn giữ nguyên lời hứa ban đấng Messia từ nhà Giu-đa.
Đến thời Tân Ước, giữa vô số người Do Thái trong đó có cả các kinh sư thông thái, Chúa Giêsu chỉ tuyển chọn một nhóm nhỏ 12 tông đồ (sứ đồ) để thành lập Hội Thánh. Ngài đã không chọn tất cả dân chúng, cũng không mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho cả dân Do Thái hay mọi dân tộc trên địa cầu cùng một lúc. Rồi trong nhóm các môn đệ, Ngài cũng không hề thành lập nhiều cộng đoàn hội thánh riêng rẽ, mà chỉ một duy nhất, và đặt Phêrô làm thủ lãnh (Mt 16,18). Không những thế, trước khi chịu khổ nạn, Ngài đã tha thiết cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ và ban cho họ sự hiệp nhất: "Xin cho chúng hoàn toàn nên một như chúng ta là một“ (Ga 17,21). Ý muốn của Chúa Kitô hết sức rõ ràng là các môn đệ của Ngài hiệp nhất trong một Hội Thánh duy nhất, một đàn chiên và một chủ chăn, để nhờ đó thế gian đón nhận Tin Mừng.
Hội Thánh sơ khai đã duy trì sự hiệp nhất này một cách tốt đẹp, dù nội bộ có khi nảy ra những mâu thuẫn vì vấn đề vật chất (x. Cvtđ chương 6), hay vì vấn đề tôn giáo (luật cắt bì) (x. Cvtđ chương 16). Nhân vật nổi bật nhất trong Hội Thánh sơ khai có lẽ là thánh Phaolo, một nhà tri thức và truyền giáo tài ba. Xét về trí thức, ngài trổi vượt hơn các tông đồ khác; xét về thành công truyền giáo, ngài cũng ăn đứt. Một mình ngài đã „bao sân“ toàn bộ vùng địa trung hải với rất nhiều giáo đoàn được thành lập. Xét về mọi mặt, Phaolo xứng đáng là thủ lãnh hơn cả Phêrô, và có lần ngài còn đứng lên phê bình thánh Phêrô thẳng mặt vì cái tội giả hình giả bộ. Có lẽ sẽ không ngoa nếu nói rằng, nếu thánh Phaolo muốn, ngài đã có thể thành lập những hội thánh riêng và trở thành lãnh đạo tối cao vượt quyền thánh Phêrô. Một mặt vì ngài giỏi giang hơn và sống Tin Mừng tốt hơn, mặt khác vấn đề giao thương liên lạc thời bấy giờ rất khó khăn, nên giả sử ngài có thành giáo hoàng ở Antiochia hay Thesalonia hoặc Epheso, thì thánh Phêrô cùng các tông đồ khác cũng khó mà làm gì được. Ấy vậy mà, thánh Phaolo đã vô cùng khiêm tốn vâng phục thánh Phêrô. Bất chấp thánh Phêrô thua kém về tài năng và đức độ, thậm chí còn là kẻ yếu đuối và giả hình, nhưng Phaolo vẫn vâng phục. Sau khi trở lại một thời gian, Phaolo đã tìm đến Giêrusalem để diện kiến Phêrô. Rồi khi các tín hữu nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề cắt bì, ngài cũng đã về Giêrusalem xin ý kiến thánh Phêrô và các tông đồ, chứ không tự ý quyết định điều gì. Ngài luôn xác định vị trí nổi bật của Phêrô và các tông đồ khác, còn tự nhận mình như "kẻ sinh non“ (x.1Cor 15,8).
Hội Thánh từ khởi đầu, tuy bao gồm nhiều giáo đoàn khác nhau, vẫn luôn hiệp nhất. Các tín hữu không chỉ hiệp nhất trong lời cầu nguyện, mà cả trong việc hỗ trợ vật chất cho giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Khi thánh Phêrô còn ở Giêrusalem và bị vua Hê-rô-đê bắt giam, toàn thể Hội Thánh đã cầu nguyện cho ngài (Cvtđ 12,5). Đây là một chi tiết rất quan trọng cho thấy vị trí quan trọng của thánh Phêrô trong Hội Thánh sơ khai.
Những dẫn chứng Kinh Thánh trên đây cho thấy, Hội Thánh ngay từ khởi đầu luôn là một thể chế duy nhất. Chưa khi nào các tín hữu tiên khởi thuộc các giáo đoàn khác nhau nghĩ rằng, giáo đoàn của họ độc lập và tách rời khỏi giáo đoàn khác. Họ nhìn nhận vị thế của các tông đồ, đặc biệt là vai trò thủ lãnh của thánh Phêrô. Thánh Phaolo, một vị thánh được mọi giáo hội Kitô tôn kính, cách riêng là các hội thánh Tin Lành, là một gương sáng nổi bật về sự khiêm tốn vâng phục và duy trì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Đó là lý do hằng năm Giáo Hội Công Giáo cử hành tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô Hữu ngay trước lễ kỷ niệm biến cố hoán cải của ngài (18-25/1). Nếu các bạn Tin Lành tôn kính thánh Phaolo, thì cũng hãy học nơi ngài tinh thần khiêm tốn vâng phục. Ngài thực sự là một "Papist“ chính cống, khi hoàn toàn quy phục thánh Phêrô, vị giáo hoàng yếu đuối. Ngài dạy cho chúng ta rằng, cải cách không đồng nghĩa với ly giáo. Sự yếu đuối hay sai lỗi của vị thủ lãnh (Phêrô) không là lý do để Phaolo bất phục và tự tách ra thành một hội thánh riêng.
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO