Bàn về vấn đề tôn kính ảnh tượng
(chia sẻ với người Công Giáo)
Trước tiên, chúng ta tái xác định rằng khi tôn kính ảnh tượng thánh, các Kitô hữu không nghịch lại điều răn thứ nhất cấm thờ ngẫu tượng. Thực vậy, “khi tôn kính một ảnh tượng, chúng ta hướng tâm hồn lên nguyên mẫu của ảnh tượng” và “ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính vị được thể hiện bằng ảnh tượng”.
Tiếp đến xin bàn thêm về một vài hành vi đôi khi gây thắc mắc và thậm chí là tranh cãi trong chính nội bộ người Công Giáo.
- Vái nhang và cúi lạy ảnh tượng thánh.
- Sờ đụng và hôn ảnh tượng thánh.
Điểm 1: Xông hương (hoặc vái nhang) và cúi lạy tượng ảnh thánh
Hành vi này gắn liền với việc tôn kính ảnh tượng thánh được Giáo Hội cho phép và cổ võ, nhưng không bao giờ được xem là tôn thờ tượng ảnh. Giáo Hội đã dạy rõ ràng, tượng ảnh nhằm mục đích nâng đỡ đức tin, hướng tín hữu lên các thực tại siêu nhiên. Người CG cúi đầu trước tượng ảnh như một hành vi cung kính, tôn trọng, tương tự như khi chúng ta chào hỏi người trên; hoặc việc vái nhang trước thi hài hoặc mộ phần người quá cố, cũng mang nghĩa tôn kính này, chứ không ai gọi đó là tôn thờ.
Những chỉ trích chỉ trích này hầu như chỉ đến từ bên ngoài.
Điểm 2: Chiêm ngắm, sờ đụng và hôn ảnh tượng thánh
Việc chiêm ngắm tượng ảnh thánh là phương tiện giúp tín hữu nâng tâm hồn lên. Nó tương tự như việc một người phải đi xa gia đình, rồi khi nhớ cha mẹ (hoặc vợ con) thì lấy hình hay một kỷ vật của những người ấy ra nhìn ngắm. Việc nhìn ngắm này giúp người ấy hướng lòng về người thân, chứ không dừng lại nơi hình ảnh hay kỷ vật ấy, đó chỉ là phương tiện.
Tương tự như vậy, khi bạn hôn hình ảnh vợ con, hay thậm chí là gọi video rồi hôn trên màn hình điện thoại, khi làm như vậy không phải là bạn muốn hôn tấm hình haycái điện thoại, nhưng là đang diễn tả và gửi gắm tình yêu cho vợ con. Việc hôn ảnh tượng thánh cũng có ý nghĩa tương tự, chúng ta hôn tấm hình, nhưng lòng trí hướng đến thực tại thiêng liêng mà tấm hình ấy diễn tả.
Về hành vi sợ chạm vào tượng ảnh thánh là điểm có khá nhiều ý kiến chỉ trích bởi cho rằng cho rằng hành vi ấy là mê tín.
Ở đây chúng ta hãy lưu ý ba ý hướng của hành vi này.
- Sờ đụng vào tượng ảnh nơi một nơi hành hương nổi tiếng, như để cảm nhận và ghi nhớ rằng mình đã được đến và chạm vào nơi ấy. Đây là một hành vi khá phổ biến có thể nhìn thấy các nơi hành hương (và cả những nơi du lịch). Khi đến nơi ấy, người ta muốn lưu lại kỷ niệm chuyến viếng thăm bằng sự động chạm, có người thì khắc tên mình lên tường hay cây cối nơi ấy, và hầu như mọi người sẽ chụp hình lưu niệm. Chẳng hạn khi đến các trung tâm hành hương nổi tiếng như Fatima hay Lộ Đức, rất nhiều giáo sĩ cũng như giáo dân đã chạm vào tượng Đức Mẹ rồi thầm thĩ rằng (tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ con đã được đến đây và chạm vào nơi Mẹ đã hiện ra). Trong trường hợp này, hành vi sờ đụng không hề có gì mê tín mà chỉ là để đánh dấu một kỉ niệm.
- Sờ đụng vào tượng ảnh để cảm nhận được một sự gần gũi thiêng liêng. Tương tự như khi chúng ta đang rơi vào tâm lý sợ hãi, cô đơn hoặc ngược lại là đang vui tươi, chúng ta muốn những cái ôm, cái bắt tay, vỗ vai... động viên an ủi hay chia sẻ. Nhiều tín hữu cũng chạm vào các ảnh tượng khi họ đang gặp những vấn đề trong cuộc sống cần ơn nâng đỡ thiêng liêng.
- Sợ đụng ảnh tượng để xin ơn. Đây có lẽ là cách diễn tả mà nhiều tín hữu bị chỉ trích là mê tín, cụ thể như chạm vào tượng rồi vuốt lên người mình. Nếu như hành vi này được thực hiện với những mục đích không trong sáng, ví dụ như để cầu may (xin trúng số, số đề...) thì rõ ràng là mê tín và đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên, trước khi kết án hành vi này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề với sự rộng lượng và lưu ý tới những người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn cực độ, ví dụ những người đang mang bệnh nan y, đã chạy chữa khắp nơi mà không đang và đang đối diện với nỗi sợ hãi sự chết. Khi ở trong tình trạng này, người ta cần một sự động chạm hết sức cụ thể với thái độ cầu khẩn sự cứu vớt.
Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện người phụ nữ mắc bệnh băng huyết (Mc 5,21-43). Tin Mừng cho hay, bà đã bị bệnh từ lâu và đã tìm thầy chạy thuyết rất nhiều mà không khỏi. Sau cùng, bà tìm cách lại gần Chúa Giêsu để chạm vào tua áo của Người, vì bà tin như vậy là sẽ được cứu chữa, và thực sự đã xảy ra như vậy. Mặc dù tượng ảnh không thể so sánh với Đức Giêsu thực sự như câu chuyện trên, nhưng tình trạng của người phụ nữ là điểm tương tự với những người đang mang bệnh tật nguy hiểm và đau khổ tuyệt vọng, khi họ động chạm đến tượng ảnh để cầu cứu. Khi ấy đối với họ, chỉ có sự cứu chữa siêu nhiên mới giúp họ được, vì khoa học y khoa đã bó tay. Và trong trường hợp này, chúng ta nên thông cảm, đồng cảm với họ hơn là chê bai chỉ trích.
Sau cùng, về hành vi hôn kính tượng chịu nạn trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nghi thức phụng vụ chính thức hướng dẫn nghi thức này là TÔN KÍNH THÁNH GIÁ. Thánh Giá là biểu tượng chính thức của Đạo Công Giáo, và là hình ảnh diễn tả rõ nhất tình yêu của Chúa qua cuộc thương khó của Chúa Kitô. Tuy nhiên, nghi thức ngày thứ sáu tuần thánh không nói tới nghi thức hôn chân Chúa sau nghi thức táng xác. Có thể nói, nghi thức đóng đinh táng xác là các thực hành đạo đức bình dân theo địa phương, chứ không phải là nghi thức chung của Giáo Hội. Tuy nhiên, như đã phân tích phía trên, việc hôn kính này chẳng có gì đi ngược lại với đức thờ phượng, bởi chúng ta xem tượng ảnh ấy như diễn tả của Chúa, chứ không phải của một vị thần nào khác, trong khi luật cấm tạc ảnh tượng là đi kèm với mệnh lệnh không được có một vị thần nào khác ngoài Chúa (Xh 20,3).
Tóm lại, mặc dù phải nhìn nhận là có những hình thức sùng kính lệch lạc và mê tín ở một số tín hữu, nhưng cần lưu ý rằng đó là những hành vi cá nhân chứ không hề là giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Do đó, nếu ai đó dựa vào những lệch lạc của cá nhân mà kết án cả Giáo Hội thì sẽ là phiến diện. Và sau cùng, chúng ta nên học hỏi giáo lý để nắm rõ qui định cũng như hướng dẫn của Hội Thánh, hầu có thể hiểu rõ và thực hành cách đúng đắn việc tôn kính ảnh tượng, nhưng đồng thời cũng có cái nhìn và đánh giá rộng lượng hơn với hành vi của những người đang gặp đau khổ khó khăn và cần sự trợ giúp thiêng liêng.
Nhận xét
Đăng nhận xét