VÌ SAO CA TÒA TRONG CÁC TU VIỆN CỔ ĐƯỢC THIẾT KẾ QUAY MẶT VÀO NHAU?
Trong cử hành phụng vụ hiện tại, các tín hữu cùng nhau hướng mặt về cung thánh. Ngay cả các Dòng Tu (ở Việt Nam) cũng cử hành phụng vụ các giờ kinh như thế.
Tuy nhiên trước kia - ngày nay ở tây phương vẫn còn được duy trì - các đan sĩ/ kinh sĩ sẽ đứng trong ca tòa quay mặt vào nhau khi hát kinh thần vụ.
Vì sao như thế?
Vì, trong phụng vụ của Do Thái Giáo, các Thánh Vịnh ca ngợi Chúa được sáng tác và được hát theo lối đối đáp. Và khi hát đối đáp, người ta thường đứng đối diện nhau như một diễn tả của sự đối thoại và cùng nhau ca ngợi Chúa.
Ca tòa cũng là diễn tả (hay hàm ý mô phỏng) ca đoàn thiên quốc, nơi các thiên thần và các thánh ngày đêm chúc tụng Chúa.
Ngoài ra, một lý do "thời cuộc" cũng ảnh hưởng đến việc bố trí ca tòa quay mặt vào nhau, đó là theo quan niệm xa xưa dưới thời phong kiến, thần dân không được phép nhìn thẳng mặt nhà vua, mà phải cúi đầu khi đứng đối diện, hoặc phải nhìn sang hướng khác để diễn tả sự tôn kính với vua.
Quan điểm này cũng không lạ trong Kinh Thánh, bởi vì theo Cựu Ước, không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện với Thiên Chúa, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, …
Do đó, ca tòa các tu viện thường được thiết kế đối diện nhau, vừa phù hợp cho hát xướng thánh vịnh đối đáp trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, vừa diễn tả sự khiêm nhường và kính sợ trước tôn nhan Thiên Chúa (không dám và không xứng đáng nhìn thẳng thánh nhan).
Truyền thống Dòng Xitô luôn có ca tòa kiểu này. Trước đây các đan viện Xitô ở Việt Nam cũng có ca tòa như thế, nhưng không rõ vì lý do gì, các nhà thờ được xây mới sau này trong các đan viện đã không còn duy trì truyền thống này nữa. Với cá nhân tôi - một đan sĩ - thì đây là điều khá đáng tiếc.
M. Hạnh Tử
Nhận xét
Đăng nhận xét