Câu hỏi 16: Hỏa ngục là gì? Ai tạo nên hỏa ngục?
ĐÁP.
Trước tiên xin bàn về ngôn ngữ. Hỏa ngục = hỏa + ngục, dịch sát từ ngữ: nơi giam giữ có lửa, trong lửa.
Hỏa ngục là từ riêng của công giáo nói về vương quốc của ma quỷ, đồng thời là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn người chết đã phạm trọng tội, xa lìa Chúa. Trong các tôn giáo khác cũng có niềm tin về nơi giam giữ này, nhưng không gọi là hỏa ngục mà là địa ngục: ngục dưới đất - hầu như quan niệm xưa kia đều tin địa ngục nằm ở dưới lòng đất nên có tên goi như thế.
Tuy nhiên, cách dịch tiếng việt HỎA NGỤC xét theo nguôn ngữ gốc là không đúng. Mặc dù từ này nói đúng bản chất của nơi ấy, nhưng không đúng với nguyên ngữ.
Nguyên ngữ Latinh infirus, tiếng Đức và tiếng Anh Hölle/ hell là tên của NỮ THẦN CHẾT và đồng thời là nơi giam giữ linh hồn người chết dưới lòng đất.
Như vậy có thể thấy rằng, chữ địa ngục sẽ là từ ngữ nói đúng về quan niệm từ xa xưa nói về nơi ở của người chết, hơn là chữ hỏa ngục.
Tại sao trong Hỏa ngục lại có lửa?
Như trong phần trước đã giải thích, danh từ Hỏa Ngục là của riêng Kitô giáo, còn trong các tôn giáo khác gọi là Địa Ngục hay Âm Phủ mà không nhắc gì đến lửa. (Ở đây xin nói thêm là hiện nay hình ảnh hỏa ngục với ma quỷ và các hình phạt khủng khiếp giành cho các kẻ làm được ác đã xuất hiện trong các tôn giáo khác. Nhưng nguyên thủy thì không có).
Hình ảnh về một nơi "lửa không hề tắt, dòi bọ không chết và con người phải khóc lóc nghiến răng" được chính Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng (Mt 5,22-29; Mt 13,47-50...)
Như vậy, hình ảnh lửa trong Hỏa Ngục xuất phát từ Kinh Thánh Kitô Giáo để mô tả nơi trừng phạt linh hồn những kẻ làm điều ác khi còn sống.
Sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông Đồ cũng nhắc đến biển lửa, diêm sinh là nơi giam giữ ma quỷ và trừng phạt những kẻ làm điều ác (Kh 20,10.13-14).
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại mô tả nơi đó với lửa không hề tắt và dòi bọ không chết? Cần lưu ý là khi rao giảng, Chúa Giêsu luôn dùng những dụ ngôn với những hình ảnh rất quen thuộc với dân Do Thái, vd: Người gieo giống, cây nho và cành nho, mục tử và đàn chiên... đây là những hình ảnh mà chỉ cần nói ra là người ta hình dung được. Trong khi đó trong truyền thống Do thái giáo không có Hỏa Ngục (chỉ có âm phủ, địa ngục) thì làm sao người ta hiểu được? Chắc chắn Chúa Giêsu có lý do khi dùng hình ảnh ấy để mô tả Hỏa Ngục.
Tại sao Chúa Giêsu lại mô tả hỏa ngục là nơi lửa không hề tắt và dòi bọ không chết?
Khi giảng dạy Chúa Giêsu luôn dùng hình ảnh gần gũi thân quen để dân chúng dễ hiểu. Khi nói về một nơi "lửa không hề tắt và dòi bọ không chết", Chúa Giêsu dùng từ "Gehena" và được các dịch giả dịch sang tiếng Latinh (sau đó các ngôn ngữ khác) là Hỏa Ngục.
Chữ Gehena là 1 địa danh: Genna hay Ge-Hinnom là tên một hẻm núi nằm phía nam thành Giêrusalem. Đây là nơi xưa kia các dân ngoại dâng lễ vật cho thần của họ (2V 23,10). Lễ vật là trẻ em hoặc trinh nữ và lễ vật thường được thiêu sống. Sau này khi nghi lễ này bị bãi bỏ, thì người ta biến nơi đây thành nơi đổ rác tập thể của thành phố, với mục đích xóa bỏ hẳn hình ảnh nơi khủng khiếp này. Theo các nhà nghiên cứu thì vào thời Chúa Giêsu đây cũng là nơi thiêu sống và vứt xác những người vi phạm lề luật và bị án tử. Hình phạt thiêu sống rất man rợ cả cho tử tội lẫn người chứng kiến khi phải thấy sự đau đớn quằn quại trong lửa của tử tội. Ngoài ra đây cũng là nơi thiêu xác những người bị án tử theo hình thức khác nữa (vd chặt đầu, treo cổ...).
Thêm vào đó, vì là nơi đổ rác và đốt rác tập thể nên việc lửa cháy thường xuyên cùng với dòi bọ trong rác hữu cơ là điều dễ hiểu. Người Do Thái rất quen với hình ảnh này. Điều đó giải thích vì sao Chúa Giêsu lấy chữ Gehena (được dịch là Hỏa Ngục) để nói về hình phạt đời đời.
Nhưng như vậy thì Hỏa Ngục thực sự là gì? Là nơi chốn hay tình trạng? Hình ảnh lửa trong hỏa ngục chỉ là minh họa hay là thực chất hỏa ngục như thế?
Ai tạo ra hỏa ngục?
Như đã trình bày trong phần trước, trong lịch sử Giáo Hội có 2 luồng tư tưởng về Hỏa Ngục. Một là quan điểm xem Hỏa Ngục như một NƠI CHỐN. Tư tưởng này căn cứ vào ngôn ngữ của Kinh Thánh, chẳng hạn như cách nói của Chúa Giêsu: NƠI lửa không hề tắt, NƠI khóc lóc nghiến răng; hay trong sách Khải Huyền của thánh Gioan: NƠI giam giữ satan...
Một khi xem Hỏa Ngục là nơi chốn thì đồng thời sẽ đưa đến vấn đề người làm ra Hỏa Ngục. Mặc dù Kinh Thánh không nói đến việc Chúa tạo ra Hỏa Ngục và không một tài liệu nào nói rõ ràng như thế, nhưng theo cách hiểu Hỏa Ngục như 1 nơi giam giữ satan và linh hồn kẻ làm điều ác thì có thể hiểu Hỏa Ngục do Chúa tạo nên, vì mọi sự trên trời dưới đất đều do Chúa tác thành. (Xin nhấn mạnh ở đây là suy luận hiểu ngầm từ cách diễn giải chứ không nơi nào nói Chúa tạo ra Hỏa Ngục cả). Tuy nhiên theo cách hiểu của Giáo Hội từ xa xưa thì từ khởi đầu không có Hỏa Ngục. Chỉ sau khi các thiên thần sa ngã chống lại Thiên Chúa mới đưa tới sự hình thành Hỏa Ngục như vương quốc của satan.
Quan điểm thứ hai của thời cận và hiện đại đặt nền tảng trên lòng thương xót của Thiên Chúa thì xem Hỏa Ngục là TÌNH TRẠNG của linh hồn xa rời Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn sống, là tình yêu và cùng đích của muôn loài. Khi quyết định xa rời Thiên Chúa, linh hồn con người rơi vào tình trạng đau đớn dày vò khôn nguôi. Hãy hình dung nỗi đau của 2 người đang yêu nhau say đắm mà phải xa rời, bạn sẽ hiểu được một chút nào đó sự đau đớn dày vò của linh hồn xa rời Thiên Chúa. Rất nhiều nhà thần học của Giáo Hội, đặc biệt nổi bật là Đức giáo hoàng Benedicto XVI nhấn mạnh rằng hỏa ngục là chọn lựa của cá nhân. Nghĩa là việc chọn lựa và quyết định xa rời Thiên Chúa là do ý muốn tự do của con người. Chính ý chí tự do chống lại Thiên Chúa tạo ra Hỏa Ngục.
Như vậy có thể tạm kết như sau. Quan niệm về Hỏa Ngục như một nơi chốn dẫn đến suy luận Hỏa Ngục "do Chúa làm ra". Còn quan niệm Hỏa Ngục như tình trạng của linh hồn xa rời Chúa thì đưa tới lý luận chính ý chí tự do chối bỏ và chống lại Thiên Chúa tạo nên Hỏa Ngục.
Và để kết thúc cũng xin đề cập vấn đề này. Sự hiện hữu của Hỏa Ngục là điều không bàn cãi, nhưng Hỏa Ngục như thế nào (có lửa, có dòi bọ, có hình phạt thể xác...hay không) thì GIáo Hội không khẳng định. Đây vẫn là khu vực mở để các nhà thần học suy tư.
Nhận xét
Đăng nhận xét