HỎI. Cầu nguyện liên lỉ là thế nào?
ĐÁP.
Trước hết xin trích dẫn câu Lời Chúa mà bạn nhắc đến: Mt 6,7-8: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin."
Cầu nguyện là gì? Các định nghĩa cầu nguyện, xin các bạn tham khảo sách GLHTCG các số 2559-2665, ở đây thầy xin không trích dẫn vì sẽ rất dài.
Một thực tế là người Việt Nam chúng ta thường đồng hoá "đọc kinh" với "cầu nguyện". Thực ra đọc kinh là một cách cầu nguyện, nhưng có nhiều người đọc kinh mà không cầu nguyện vì chỉ đọc một cách máy móc mà không đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Cầu nguyện liên lỉ không phải là đọc kinh liên tù tì hết kinh này đến kinh khác, hết lần hạt mân côi đến lần hạt lòng thương xót. Việc đọc kinh tuy mang lại ơn ích thiêng liêng, nhưng rất dễ mang tính hình thức và máy móc, miệng đọc mà lòng không suy. Thậm chí nhiều người tín hữu dùng việc đọc kinh đế chống chia trí trong nhà thờ, bởi khi không đọc kinh, lòng họ trở nên trống rỗng và không biết làm gì, đâm ra tâm trí "đi lạc" khắp bốn phương trời. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu gọi là "lải nhải như dân ngoại".
Một thực trạng khác cũng cần lưu ý, đó là nhiều tín hữu chỉ đến với Chúa để cầu xin, xin hết ơn này đến ơn khác, và sau khi nói hết những điều muốn xin thì "cạn ngôn" và bắt đầu chia trí về những việc khác.
Vậy thì cầu nguyện như thế nào mới đúng đắn và đáng gọi là cầu nguyện liên lỉ?
Cầu nguyện liên lỉ chính là sự tưởng nhớ không ngừng hướng về Chúa. Ở đây xin lấy một vài ví dụ để các bạn dễ hình dung. Ví dụ thứ nhất là tâm trí của người mẹ có con nhỏ và phải để con ở nhà để đi làm. Dù phải làm việc hay lúc nghỉ ngơi, người mẹ luôn nhớ thương con và lo lắng từng giây phút, tâm trí của mẹ luôn ở bên con. Ví dụ thứ hai là của các cặp tình nhân đang yêu. Khi yêu, tâm trí người ta hướng về nhau trong từng giây phút, thậm chí cả khi làm việc hay khi ăn uống... tắt một lời, tâm hồn người ta liên lỉ nhớ về nhau.
Cầu nguyện liên lỉ với Chúa chính xác là như vậy, đó là một sự tưởng nhớ và yêu mến chúng ta luôn mang trong tâm trí. Vì Chúa là đối tượng đáng yêu mến và tôn kính nên tâm hồn chúng ta luôn hướng về Ngài, đôi khi không cần đọc kinh hay nói năng gì cả, mà chỉ cần cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn và diễn tả lòng yêu mến Ngài qua những lời cầu nguyện thật ngắn gọn nhưng thực tâm (hay còn gọi là lời nguyện tắt) : Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.
Cầu nguyện liên lỉ chính là một sự phó thác triền miên vào Chúa, nên dù không phải đọc kinh nhiều hay xin xỏ điều gì, chúng ta vẫn cảm thấy tâm hồn bình an và cảm nhận được rằng Chúa hiểu hết ước nguyện chúng ta đang mang trong lòng mà chưa nói ra: "Cha anh em biết rõ anh em cần gì trước khi anh em xin" là như thế.
Tóm lại, cầu nguyện liên lỉ là tâm tình gắn bó với Chúa trong tư tưởng và trong từng tâm tình từng giây phút. Điều này không khó thực hiện nếu chúng ta có lòng tin và lòng yêu mến để cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Chúa trong lòng mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét