HỎI: Có đúng là đền thờ thánh Phêrô được xây trên mộ thánh Phêrô? Giáo Hội có chứng minh được điều này không?

ĐÁP: Đúng
Cá nhân thầy đã may mắn được tham dự khóa học khảo cổ lịch sử tại đền thờ thánh Phêrô và được biết như sau. Các tín hữu Công giáo từ xưa đến nay đều tin vào lịch sử lưu truyền rằng đền thánh Phêrô được xây trên mồ của thánh tông đồ Phêrô. Tuy nhiên, từ thế kỷ 17 cho tới đầu thế kỷ 20, nhiều học giả Tin Lành đã đòi hỏi Giáo Hội chứng minh sự thật này. Họ còn cho rằng lịch sử kia chỉ là truyền thuyết được Giáo Hội thêu diệt nhằm "bòn rút tiền của người nghèo mà xây dựng cung điện nguy nga cho giáo hoàng Roma".
Năm 1940, Giáo hoàng Pio XII chấp thuận cho phép tiến hành khảo cổ để tìm bằng chứng cho niềm tin của Giáo Hội xưa nay. Công trình khảo cổ đã đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị, thậm chí cả căng thẳng và lo ngại.
Kết quả khảo cổ như sau: Đền thánh Phêrô hiện tại được xây trên nền của đền thờ Constantino, tức là đền thờ được vua Constantin ban tặng cho giáo hoàng vào thế kỷ thứ 4. Khi đào đến bàn thờ của đền thờ cũ (sâu 4m) thì người ta phát hiện ra bàn thờ cũ mà tương truyền là xây trên chính mộ của Phêrô, và bên dưới ngôi mộ còn có các công trình khác. Đào sâu thêm 5m (tổng cộng là 9m), người ta tìm thấy nền đất nguyên thủy. Đó là một nghĩa trang kế bên một hí trường. Khai quật vị trí được xem là mộ của thánh Phêrô người ta không tìm thấy gì cả, Kết quả này khiến Vatican căng thẳng và lo lắng, vì giả sử đây là kết quả sau cùng thì Tòa Thánh sẽ khó ăn khó nói. Ban khảo cổ xin ý kiến Đức Pio XII liệu nên ngưng hay tiếp tục tìm kiếm. Đức giáo hoàng đề nghị tiếp tục vì còn có các công trình phía dưới.
Khai quật mở rộng khu vực nghĩa trang, người ta tìm thấy rất nhiều lời cầu được khắc trên các phần mộ xung quanh mộ thánh Phêrô: "Lạy thánh Phêrô, cầu cho chúng con". Đây là bằng chứng cho thấy rằng lịch sử lưu truyền có căn cứ, vì ngay từ những thế kỷ đầu, các tín hữu đã có lòng tôn kính mộ thánh Phêrô như thế.
Khi khai mở phần mộ xây nổi trên mặt đất, người ta tìm thấy một chiếc hộp đựng hài cốt ở gần bức tường có một dòng chữ Hy Lạp “Petros eni ” ( Phêrô ở đây )
Chiếc hộp đó đã được mang đi phân tích thì được kết quả là : hài cốt là một người đàn ông có thể hình tráng kiện, đã đứng tuổi và có dấu hiệu bị loãng xương, căn bệnh thường thấy ở ngư dân. Một số mảnh vải màu tím dệt bằng tơ vàng được dùng để bao bọc hài cốt, chứng tỏ người đã khuất rất được tôn kính. Điều thú vị là phần hài cốt này không tìm thấy dưới mộ mà được cất ở phần nổi trên mặt đất, có thể vì sợ hài cốt thánh Phêrô bị đánh cắp nên các tín hữu đã cải táng và đặt hài cốt ở vị trí tưởng chừng dễ tìm mà lại khó.
Một điểm thú vị nữa là phần hài cốt này không có các mảnh xương cẳng chân. Một lý giải được đưa ra là sau khi hành hình thánh Phêrô (đóng đinh ngược), lý hình muốn gỡ xác xuống cho nhanh nên đã chặt đứt hai cẳng chân chứ không gỡ đinh đóng hai chân.
Như vậy qua việc khảo cổ, Tòa Thánh đã chứng minh được sự thật lịch sử là đền thờ thánh Phêrô và đặc biệt là bàn thờ trong đền thờ được xây trên chính phần mộ của thánh tông đồ Phêrô.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO