HỎI. Trẻ em và các thai nhi chưa được rửa tội mà chết thì có được lên thiên đàng không?
ĐÁP.
Cách lý giải về vấn đề này có sự thay đổi trong lịch sử Giáo Hội.
Từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến thế kỷ thứ 5 câu trả lời là không. Căn cứ vào Tin Mừng: Ai không chịu phép rửa sẽ bị luận phạt. Các giáo phụ, nhất là thánh Augustino đều cho rằng các linh hồn chưa rửa tội nói chung đều xuống hỏa ngục.
Vào thời trung cổ, các suy tư mới bắt đầu nổi lên đặc biệt nơi thánh Thomas Aquino. Tư tưởng mới này cho rằng các trẻ em chưa được rửa tội nhưng cũng chưa phạm tội gì nên không thể bị trầm luân được. Tuy nhiên các em cũng không được lên thiên đàng, mà có một chỗ riêng gọi là limbus puerorum, chữ limbus có nghĩa là rìa, bên cạnh. Ý nghĩa của cụm từ này là có một nơi bên ngoài thiên đàng lẫn hỏa ngục giành cho các linh hồn trẻ em chưa dc rửa tội.
Vào thời hiện đại, đặc biệt theo suy tư của ĐGH Benedicto XVI, Giáo Hội loại bỏ khái niệm về Limbus Puerorum, xác nhận chỉ có Thiên Đàng - Luyện Ngục - Hỏa Ngục mà thôi. Tuy nhiên, vì Giáo Hội không tìm thấy từ mặc khải Lời Chúa nói về số phận các em, nên Giáo Hội cũng không thể xác định. Nếu căn cứ vào Tin Mừng thì đúng là ai không rửa tội thì không thể được cứu. Nhưng Giáo Hội hi vọng và phó thác vào lòng thương xót của Chúa muốn cho mọi người dc cứu độ.
Như vậy giáo huấn hiện hành của Giáo Hội là không khẳng định về số phận của các linh hồn chưa được rửa tội, mà hoàn toàn phó thác và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Vì "ngoài cách cứu độ thông thường (qua bí tích Rửa Tội), Thiên Chúa còn nhiều cách thế khác để cứu độ".
Xin nhắc lại là Giáo Hội không xác định số phận của các linh hồn thai nhi, vì Giao Hội căn cứ trước tiên vào Lời Chúa như tiêu chuẩn đầu tiên và cao nhất, nhưng Lời Chúa lại không đề cập đến vấn đề này, nên Giáo Hội cũng không thể đưa ra một xác quyết chung cuộc. Giáo Hội tin và hi vọng vào lòng thương xót của Chúa, cũng như tin Chúa có nhiều cách cứu độ.
Suy luận trên đây chỉ là suy luận thần học mang tính lý thuyết, còn thực tế như thế nào thì chỉ có Chúa biết và chúng ta sẽ biết vào ngày cánh chung. Tuy nhiên cũng như mẹ Giáo Hội, mọi người chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng. Việc cầu nguyện cho các em là không bao giờ thừa cả, nên chúng ta cứ tiếp tục cầu nguyện và xin các em cầu nguyện cho chúng ta.
Ngoài ra, cũng có luồng ý kiến cho rằng các thai nhi và trẻ vô tội sẽ được cứu rỗi, vì ngoài phép rửa thông thường bằng nước, còn có phép rửa bằng máu (chịu tử đạo khi chưa được rửa tội) và phép rửa bằng lòng mến (khao khát được rửa tội nhưng do hoàn cảnh nên không thể được). Những người theo tư tưởng này cho rằng Mẹ Giáo Hội luôn ao ước cho mọi người được rửa tội và được cứu độ, cho nên các linh hồn thai nhi và trẻ vô tội sẽ được cứu nhờ phép rửa của lòng mến này.
Tóm lại, Giáo Hội không xác định số phận chung cuộc của các linh hồn thai nhi và các trẻ vô tội, nhưng cũng không cấm chúng ta tin tưởng và hi vọng vào ơn cứu độ cho các em, nên chúng ta đừng suy nghĩ theo lối tư duy của con người khi cho rằng sẽ là bất công nếu linh hồn các em không được cứu độ. Đường lối của Chúa không ai thấu được, và ngôn ngữ cũng như hiểu biết của con người giới hạn nên không thể trình bày thấu đáo được mầu nhiệm ấy. Vậy nên chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Chúa. Chắc chắn Chúa không phải là một Thiên Chúa tàn nhẫn và lạnh lùng vô cảm.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét