HỎI. Có buộc phải tin các thiên thần không? Các ngài là ai? Có giới tính, có cánh không?

ĐÁP. Nhân tiện câu hỏi này, xin được trình bày giáo lý về các thiên thần một cách chi tiết.
1. Thiên thần là ai?
Sự hiện hữu của các thiên thần là điều hiển nhiên không cần bàn cãi trong giáo lý Công giáo, vì Kinh Thánh Cựu + Tân Ước đều có nói tới, và đặc biệt là chính Chúa Giêsu cũng đề cập (Mt 18,10).
Thiên thần là các thụ tạo vô hình được Thiên Chúa dựng nên để phục vụ Ngài. Điều này chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.
Điều thú vị là Cựu Ước đôi khi đồng hóa thiên thần với Thiên Chúa. Mỗi khi nhìn thấy sứ thần của Chúa, các thị nhân Cựu Ước thường thốt lên rằng: Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa.
2. Thiên thần được tạo dựng khi nào?
Kinh Thánh không trình bày về điểm này, nhưng các giáo phụ và học giả Công giáo tin rằng thiên thần không có từ đời đời, mà được dựng nên cùng một trật với vũ trụ. Tức là khi Thiên Chúa bắt đầu công trình sáng tạo, thì Ngài dựng nên cả muôn loài hữu hình và vô hình.
3. Thiên thần là nam hay nữ?
Điểm này Kinh Thánh cũng không đề cập, nhưng căn cứ vào câu nói của Chúa Giêsu: "Sau khi sống lại, người ta không còn dựng vợ gả chồng, mà nên như các thiên thần" (Mc 12,25), thì chúng ta hiểu rằng các thiên thần thiêng liêng không có giới tính. Thực ra các ngài không có hình dạng như chúng ta nghĩ, chỉ khi nào được Chúa sai đi làm sứ giả loan báo một điều gì, thì các ngài mới hiện thân trong hình hài con người mà thôi, và vì thời xưa nam giới giữ vai trò quan trọng hơn nữ giới, nên Kinh Thánh thường mô tả các sứ giả thiên thần này là nam giới.
Người Công giáo chúng ta khá quen thuộc với hình ảnh các thiên thần ái nam, ái nữ và có cánh. Hình ảnh đó muốn diễn tả rằng các thiên thần không phải nam cũng chẳng phải nữ, và các ngài biết bay nên phải có cánh. Hình ảnh như vậy là do trí tưởng tượng của con người chứ không phải là thực tại. Bởi các ngài là các đấng thiêng liêng nên không lệ thuộc không gian và thời gian.
4. Satan có phải là thiên thần sa ngã?
Đúng vậy. Điểm này cũng không có trong Kinh Thánh, nhưng các giáo phụ lý giải rằng, satan chính là các thiên thần sa ngã. Đặc biệt thánh Thoma Aquino tin rằng Satan (tướng quỷ) từng là tổng lãnh thiên thần mạnh mẽ quyền uy nhất, chính vì vậy đã kiêu căng đòi chống lại Thiên Chúa, vì muốn được là chúa. Đó cũng là điều nó đã cám dỗ ông bà nguyên tổ ăn trái cấm để "được nên như Thiên Chúa". Tổng lãnh thiên thần này mang danh là Lucifer (ánh sáng) đã lôi kéo một số thiên thần nổi loạn để rồi bị đánh bại và chọn hỏa ngục làm vương quốc riêng.
5. Nhiệm vụ của các thiên thần là gì?
- Phụng sự, tôn vinh Chúa đêm ngày.
- Một số vị được làm sứ giả loan báo những điều đặc biệt.
- Thiên thần bản mệnh hướng dẫn và bảo vệ linh hồn con người.
6. Thiên thần nhiều hay ít?
Rất nhiều. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh các cụm từ mô tả như: ức ức triệu triệu, đạo binh các thiên thần. Chính Chúa Giêsu cũng nói nếu Ngài muốn thì có thể xin Chúa Cha ngay lập tức ban hơn 12 đạo binh thiên thần (Mt 26,53). Và niềm tin vào thiên thần bản mệnh cho thấy mỗi người có một vị... tính tổng số sẽ "đông như quân Nguyên".
7. Thiên thần và con người, ai cao trọng hơn?
Về mặt cấu tạo và quyền năng thì thiên thần cao trọng hơn. Bởi tuy cũng là thụ tạo như nhau, nhưng thiên thần là thụ tạo thuần linh. Các ngài là những thụ tạo thiêng liêng hoàn hảo. Tác giả thư Do Thái có nói, khi Chúa Giêsu nhập thể làm người thì đã phải "thua kém các thiên thần trong một thời gian" (Dt 2,7).
Tuy nhiên xét về ơn cứu độ và cùng đích thì con người cao trọng hơn. Vì Kinh Thánh cho hay, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa chứ không nói như vậy với các thiên thần. Vì con người sa ngã mà Con Thiên Chúa phải làm người đem ơn cứu độ giải thoát. Trong khi các thiên thần sa ngã không được như vậy. Trong trật tự cứu độ này, thánh Phaolo liệt kê: Thiên Chúa - Đức Kitô - con người (1 Cor 11,3) mà không nhắc đến thiên thần. Và thậm chí ngài còn nói rằng tới ngày cánh chung, con người sẽ xét xử các thiên thần sa ngã (1 Cor 6,3, Kh 21,12).
Chúa Giêsu nhập thể "thua kém các thiên thần trong 1 thời gian", nhưng sau khi phục sinh thì Ngài trở lại vị trí nguyên thủy của Ngôi Hai cao cả trên mọi loài. Ngài là đầu, và chúng ta, những kẻ được cứu độ, là chi thể, chúng ta được thông chia vinh hiển của Ngài sau này. Đó là lý do Chúa sai thiên thần bảo vệ và phục vụ con người (Dt 1,14). Theo nguyên tắc, người được phục vụ phải cao trọng hơn kẻ phục vụ.
Như thế, trên thiên đàng, con người sẽ trổi vượt hơn các thiên thần. Vì từ giây phút ấy, con người - hình ảnh Thiên Chúa - được thần hóa bất tử và vinh hiển (1 Cor 15,53-54).
Kết: Niềm tin vào sự hiễn hữu của các thiên thần là một TÍN ĐIỀU được công đồng Laterano IV định tín, và như vậy, đây là điều thuộc về đức tin.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO