HỎI. Giáo lý Công giáo có vẻ quá nhấn mạnh đến tội lỗi, như vậy có phải là tiêu cực bi quan quá không?
ĐÁP.
Cần phải thấy rằng nếu chúng ta không có đức tin và lòng yêu Chúa mãnh liệt, thì mọi hình thức giáo dục đều không lợi ích.
Không phủ nhận rằng trong lịch sử, Giáo Hội đã từng quá nhấn mạnh vấn đề tội lỗi và hình phạt hỏa ngục, hậu quả là nhiều tín hữu giữ đạo chỉ vì sợ hỏa ngục hơn là vì lòng yêu mến Chúa. Hình thức giáo dục này trước đây khá phổ biến không chỉ trong đạo mà cả trong xã hội.
Ngày nay, giáo lý về lòng thương xót của Chúa được nhấn mạnh hơn giáo lý về sự công thẳng và nghiêm khắc. Nhưng kết quả là mặc dù các tín hữu đã năng động hơn trong việc sống đạo, nhưng đồng thời một số khác lại đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đặc biệt khi mà tiếng nói của Giáo Hội bị lấn át bởi tiếng ồn của thế gian, của những thú vui giải trí khuấy động con người thường xuyên, thì người ta không còn nghe Giáo Hội nữa mà buông theo những trào lưu thế gian, đặc biệt là chủ nghĩa tương đối, xem thường tội lỗi.
Tuy nhiên, giáo lý về tội lỗi luôn đi kèm giáo lý về ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Quá nhấn mạnh đến tôi lỗi có thể tạo nên sợ hãi và bi quan, nhưng chắc chắn nếu không cảnh báo và nhắc nhở tín hữu về sự nguy hiểm của tội lỗi, thì tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn khi con người không còn nhận ra và sợ hãi trước tội lỗi, đến mức "đánh mất cảm thức về tội lỗi".
Chúa Giêsu rất yêu thương con người, nhưng Ngài cũng cực kì nghiêm khắc với tội lỗi, chỉ mặt đặt tên chúng chứ không nhân danh tình yêu để im lặng trước tội lỗi. Theo gương ấy, Giáo Hội (cũng giống như các bậc phụ huynh) cần nhắc nhở, cảnh báo và thẳng thắn chỉ ra tội lỗi (lỗi lầm) của con cái để giúp chúng sửa đổi. Không ai thương con mà im lặng để mặc con sa đọa trong tội lỗi và sai lầm. Yêu thương đi kèm giáo dục là như thế.
Như vậy, Giáo Hội hay nhắc đến tội lỗi không phải để các tín hữu bi quan sợ hãi, nhưng là để ý thức thân phận yếu đuối của mình mà tỉnh thức chống trả tội lỗi và hướng đến sự hoàn hảo "anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện". Tiêu chuẩn của Giáo hội là "ghét tội lỗi chứ không ghét tội nhân", bởi vì chính vì con người tội lỗi mà Chúa Giêsu đã làm người và chịu chết để cứu độ nhân thế. Như vậy rõ ràng tình yêu Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi chúng ta. Nhưng khi tin nhận tình yêu của Chúa, thì chúng ta càng cần phải tránh xa tội lỗi, vì tội lỗi đối nghịch với tình yêu.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét