HỎI. Phải chăng "có thực mới vực được đạo"?

ĐÁP:
Đây là một câu nói khá quen tai mà có lẽ ai cũng đã từng nghe, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng. Người vô thần cũng nại vào câu nói này để cho rằng tôn giáo thực ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người khi ăn dư mặc thừa. Còn khi không có gì để ăn thì chẳng ai nhớ đến tôn giáo, vì phải "no cái bụng trước đã rồi mới nghĩ đến chuyện khác".
Để hiểu được câu nói này, trước tiên cần phân tích từ ngữ một chút.
  • Thực - thức ăn (tức là vật chất). Có người hiểu chữ thực trong câu trên là sự thật (thực = thật), nhưng chắc chắn ý nghĩa của chữ thực trong câu nói này là thức ăn chứ ko phải sự thật (chân lý).
  • Đạo theo chữ Hán nghĩa đen là con đường hay đường đi, có nghĩa là đường, và khi nói về khía cạnh tâm linh thì đạo là con đường dẫn tới chân lý - chính đạo, nền tảng của đạo luôn là chân, thiện, mỹ. Phạm trù đạo khá rộng: đạo hiếu, đạo phu thê, đạo làm người... rồi đạo Công giáo, Phật giáo...
Triết gia Aristoteles đã định nghĩa con người là "con vật có tôn giáo". Ông cho rằng tự bản chất và từ thâm sâu lòng con người luôn có ý hướng về chính đạo, về chân lý và về một Đấng Siêu Việt. Cho dù xưa kia khi thế giới chưa có những tôn giáo lớn, thì lòng con người vẫn luôn hướng về đạo. Khuynh hướng thâm sâu này không cần ai dạy bảo và cũng không có gì loại ra khỏi lòng con người được.
Nếu hiểu "vực được đạo" tức là xây dựng nếp sống/ hình thức của đạo thì câu nói trên có vẻ đúng. Chỉ khi "phú quý mới sinh lễ nghĩa", có điều kiện vật chất thì người ta mới tổ chức các hội hè, lễ lạc xôm tụ và xây dựng cơ sở hoành tráng. Còn khi khó khăn đói khát thì người ta phải nai lưng làm việc để kiếm miếng ăn trước đã.
Nhưng nếu nói rằng "có thực - tức là có vật chất và no cái bụng đã - thì mới có đạo hay người ta mới sống đạo" thì trả lời thế nào khi ngay từ thời ăn lông ở lỗ rồi qua mọi thời đại dù nghèo đói bần cùng, con người vẫn tin vào chân lý, vẫn tin vào thần linh và Thiên Chúa? Đạo Công Giáo khi mới ra đời đã bị bách hại khủng khiếp khiến các tín hữu phải trốn chui, trốn nhủi và bị giết hại dã man, nhưng họ vẫn giữ đạo, giữ đức tin. Rõ ràng vật chất đối với họ không quan trọng bằng chính đạo. "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra".
Đạo làm người, đạo hiếu, đạo phu thê cũng không lệ thuộc vào vật chất, mà trái lại, vật chất là một trong những nguyên nhân làm người ta vô đạo. Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy, khi khó khăn gian khổ, người ta thường gắn bó và chung thủy, sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng chút. Còn khi có của cải rồi, người ta chỉ chăm bẵm cho bản thân trước hết. Tiền bạc dư thừa và cái bụng no cằng đẩy người ta đến cuộc sống hưởng thụ bất chấp đạo lý. Rõ ràng có thực chưa chắc vực được đạo, mà trái lại nó có nguy cơ hủy hoại đạo hay dẫn đến tà đạo.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO