HỎI. Phải chăng Thiên Chúa chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người vì mục đích chính trị?

Trả Lời:
Thiên Chúa có thật và đây là niềm tin hoàn toàn khách quan chứ không phải do trí tưởng tượng. Triết gia Aristot đã nói rằng: "Con người là một sinh vật có tôn giáo!". Theo ông, ngay từ khi xuất hiện trên trần gian, con người đã nhận ra có một sự siêu việt tính ở trong mình, sự siêu việt tính này hướng lòng con người lên trên, lên một thế lực mà con người hiểu rằng vượt quá tầm hiểu biết và sự nắm bắt của mình. Khi ấy con người chưa biết Đấng Siêu Việt ấy là ai, nhưng ngay trong thâm sâu lòng con người biết có Ngài.
Một ví dụ dễ nhận thấy là khi con người đứng trước những vấn nạn không thể giải quyết được, trước những hiểm nguy sắp xảy ra, trước những điều mong đợi vượt sức, con người thường có hành vi chấp tay trước ngực và thầm thỉ cầu xin ơn trợ giúp từ trên. Chưa bàn đến niềm tin của bất cứ tôn giáo nào, thì chúng ta đều thấy có phản ứng như thế nơi nhiều người. Hãy nhìn các khán giả của một trận bóng đá, khi các cầu thủ chuẩn bị đá phạt đền, khán giả thường chấp tay và nhắm mắt cầu xin, một bên cầu xin cho cú sút thành công, bên kia mong điều ngược lại... nhưng cả hai đều cầu nguyện dù rất nhiều người không tin theo tôn giáo nào.
Rõ ràng, con người tự thâm sâu lòng mình vẫn tin vào một thế lực siêu nhiên. Thế lực này được gọi theo nhiều danh hiệu khác nhau tùy vào niềm tin và hiểu biết. Niềm tin bình dân của người Việt Nam từ xa xưa vẫn gọi thế lực ấy là ông trời, là thượng đế với kiểu nói: Ơn trời, cầu trời khấn phật, ông trời có mắt, mong ông trời phù hộ... Các tôn giáo gọi tên theo niềm tin của họ là Thiên Chúa (Công giáo), Allah (Hồi giáo)... Thần Zeus (tôn giáo thần thoại Hy Lạp).
Trí tưởng tượng chỉ giúp con người hình dung những chuyện huyền thoại, chứ không giúp họ trả lời về những vấn nạn không thể hiểu thấu trong cuộc sống này. Ví dụ: Đau khổ từ đâu mà có? Tại sao có bất công trong cuộc sống? Tại sao người ta vẫn tin vào quả báo, về sự công bằng của ông trời...? Rõ ràng những suy nghĩ này không đến từ trí tưởng tượng mà là từ niềm tin vào Đấng Siêu Việt. Như vậy, ngay cả khi loại trừ niềm tin tôn giáo, chúng ta vẫn phải nhìn nhận có một Đấng Siêu Việt, một thế lực siêu nhiên trổi vượt trên thế giới con người và thuộc về lãnh vực tâm linh.
Thêm vào đó, không một sản phẩm nào của trí tưởng tượng của con người có thể bền vững lâu dài. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều nỗ lực xây dựng các tôn giáo theo trí tưởng tượng hoặc mục đích chính trị, chẳng hạn như các Pharaoh ở Ai Cập cổ đại, hay các hoàng đế Roma và rất nhiều vương quốc trên thế giới. Nhà cầm quyền đã cố gắng xây dựng tôn giáo riêng với sự sùng bái cá nhân, biến bản thân thành "thiên tử - con trời" hoặc là đại diện của thần thánh với mục đích lôi kéo dân chúng. Nhưng tất cả các tôn giáo này không bền lâu, bởi đó thực sự là sản phẩm của ý muốn con người. Trái lại, những tôn giáo bắt nguồn từ niềm tin thâm sâu lòng con người lại bền vững. Các tôn giáo lớn đã tồn tại cả 2-3 ngàn năm và vẫn tiếp tục tồn tại mà chẳng vì mục đích chính trị nào cả. Có những giai đoạn người ta lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị, nhưng tự bản chất niềm tin tôn giáo không lệ thuộc vào ý muốn và mục đích chính trị, đó mới là niềm tin thực sự.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO