HỎI. Khi truyền phép rượu, linh mục đọc: "Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén...". Vì sao Chúa Giêsu lại làm nghi thức ấy vào cuối bữa ăn chứ không phải đầu hay giữa?
ĐÁP.
Để hiểu rõ điều này, chúng ta nên tìm hiểu một chút về trình tự bữa ăn vượt qua của người Do Thái. Bởi Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong chính bữa ăn này.
Lễ Vượt Qua cũng có thể gọi là ngày lễ quốc khánh của người Do Thái. Vì đây là dịp kỷ niệm ngày Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ vượt kéo dài trong 1 tuần, trước hết là các nghi thức ở đền thờ (hoặc hội đường) và trọng tâm là bữa ăn vượt qua trong mỗi gia đình, một bữa ăn mang tính tôn giáo chứ khổng như một bữa cơm thông thường. Trình tự của bữa ăn vượt qua như sau.
- Các phần chuẩn bị: Vệ sinh nhà cửa, loại bỏ các loại bánh có men và chuẩn bị bánh không men.
- Bàn ăn được chuẩn bị với bánh không men, rau đắng và thịt chiên. Các món ăn được dùng theo đúng thứ tự. Ngoài chỗ ngồi cho các thành viên trong gia đình thì luôn dọn dư một chỗ để tôn kính ngôn sứ Elia, mong đợi ông trở lại, cũng là diễn tả mong đợi đấng Messia.
- Bữa ăn được cử hành theo trình tự 4 phần, và mỗi phần sẽ đi kèm với việc uống 1 ly rượu nho. Bốn chén rượu này là nhắc nhở tới bốn lời hứa của Thiên Chúa, và mỗi chén được uống theo trình tự với những ý nghĩa khác nhau
1."Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập" - chén tường thuật.
2."Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng" - Chén tạ ơn.
3."Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi" - chén ngợi khen.
4."Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi" - chén chúc tụng.
- Bữa ăn bắt đầu với nghi thức chúc lành của vị chủ tọa và uống chén thứ nhất, chén khai vị.
- Sau khi uống chén này, người ta sẽ rửa tay. Rồi người ta bắt đầu ăn các món ăn theo trình tự.
- Bánh không men sẽ được vị chủ tọa chúc lành rồi bẻ ra để mọi người cùng ăn. Đây cũng chính là điều Chúa Giêsu đã làm khi truyền phép bánh: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em".
- Sau khi ăn bánh, chủ tọa (thường là người bố) sẽ kể cho gia đình nghe về cuộc vượt qua của dân Israel khi xưa.
- Kết thúc câu chuyện, mọi người sẽ uống chén rượu thứ hai. Sau đó mọi người sẽ rửa tay (lần 2). Tiếp đến chủ tọa chúc lành và phân phát rau đắng để mọi người ăn với bánh không men.
- Tiếp sau bánh không men và rau đắng là đến món ăn chính của bữa ăn vượt qua - thịt chiên. Ngoài ra còn có thêm món trứng. Món tráng miệng sẽ là bánh không men.
- Chén rượu thứ ba đi kèm với lời cầu nguyện chung.
- Bữa ăn kết thúc với việc hát thánh vịnh và uống chén thứ tư gọi là chén chúc tụng. Sau cùng là một bài thánh ca.
Căn cứ vào trình tự này tương ứng với tường thuật của Tin Mừng: "Vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén dâng lời chúc tụng...", chúng ta biết rằng Chúa Giêsu dùng chén thứ tư (chén chúc tụng) làm chén cứu độ, trở nên máu của Ngài "đây là máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội..."
Chén thứ tư cũng tương ứng với lời hứa thứ tư của giao ước cũ, và đồng thời Chúa Giêsu dùng nó để lập giao ước mới. Giao ước này chính là sự trọn vẹn hóa giao ước cũ, là khởi đầu từ điểm kết thúc và là giao ước vĩnh cửu.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét