HỎI. Phải hiểu về những sự kiện và hình ảnh huyền bí trong sách Khải Huyền như thế nào?

ĐÁP.

Sách Khải Huyền là một trong những cuốn sách gây lên nhiều tranh luận và hiểu lầm trong lịch sử Giáo Hội. Ví dụ như căn cứ vào câu chuyện triều đại 1000 năm trong sách Khải Huyền, người xưa đã tin rằng ngày tận thế sẽ đến vào năm 1000, rồi sau đó là năm 2000. Đồng thời, nhiều hình ảnh ẩn dụ trong sách này cũng được gán ghép cho những sự kiện xảy ra trên thế giới. Thức thời nhất vẫn là câu hỏi khi nào Chúa quang lâm (tận thế), đây là điều luôn khiến người ta tò mò. Sách Khải Huyền đã bị hiểu lầm và "lạm dụng" rất nhiều và sai cách vì người ta không hiểu thể loại văn chương này.

Khải Huyền là gì?
Về từ ngữ, khải huyền có nghĩa là VÉN MÀN hay MẶC KHẢI những điều huyền bí. Ý nghĩa từ ngữ là thế, nhưng sách Khải Huyền không phải là cuốn sách tiên tri nói về những sự kiện tương lai.
Khải huyền là một thể loại văn chương dùng hình ảnh ẩn dụ và những con số để mô tả những thực tại. Thể loại này thường mang màu sắc giả tưởng và truyền thuyết. Có những cuốn sách được viết hoàn toàn theo lối văn này, chẳng hạn như sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông Đồ, và các thị kiến trong sách các ngôn sứ Ezekiel (Ez 7;9) hay Daniel (Dn 7). Và thể loại này đôi khi cũng được dùng trong sách khác, chẳng hạn như những dụ ngôn Chúa Giêsu nói về Nước Trời, Con Người, Phán Xét.
Tại sao tác giả sách Khải Huyền lại dùng những hình ảnh huyền bí và những con số, những dấu chỉ mang tính ẩn dụ như thế? Các nghiên cứu Kinh Thánh chỉ ra rằng, đây là ngôn ngữ ký tự dạng mật mã được dùng để liên lạc giữa các thành viên trong nhóm, mà kẻ thù hay người ngoài không thể hiểu được. Dạng văn này được dùng phổ biến nhất trong thời bách hại đạo, các tín hữu phải chạy trốn và không thể liên lạc với nhau dễ dàng. Khải Huyền trở thành một dạng mật thư để các mục tử an ủi khuyến khích các tín hữu đang chịu đau khổ. Thông điệp đó cũng mời gọi các tín hữu hướng về chiến thắng sau cùng của Thiên Quốc với hình ảnh Con Chiên chiến thắng mở ấn niêm phong ám chỉ Chúa Kitô, nhưng cuộc chiến của các tín hữu vẫn còn kéo dài và họ cần kiên nhẫn, trung thành; hoặc cuốn sách mô tả người phụ nữ mang thai bị con rồng săn đuổi là hình ảnh của Giáo Hội đang bị bách hại... Sách Khải Huyền mô tả cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa Giáo Hội và thế gian, giữa sự thật và dối trá, đồng thời mời gọi chúng ta xác định chỗ đứng của mình thuộc về phía nào.
Như thế, xin nhắc lại, sách Khải Huyền không phải và không nên hiểu là nói về những sự kiện tương lai hay việc Chúa quang lâm.
M. Eugenius Nguyen OCist



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO