HỎI: Tại sao lễ chiều thứ bảy được tính là lễ Chúa Nhật?

ĐÁP.
Người Do Thái thuở xưa tính ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn chiều hôm trước đến lúc mặt trời lặn chiều hôm sau. Nếu bạn đọc chương 1 sách Sáng Thế (St 1,1-30) về trình thuật sáng tạo, bạn sẽ thấy cụm từ sau đây được lặp lại sau mỗi ngày: "Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ nhất/ thứ hai...". Cách tính ngày thông thường này cũng áp dụng cho việc cử hành các nghi lễ tôn giáo.
Công Giáo kế thừa nhiều truyền thống phụng vụ của Do Thái Giáo, chẳng hạn tất cả các lễ trọng thường có lễ vọng được cử hành chiều hoặc tối hôm trước cũng là theo truyền thống đó. Ngoài ra việc đọc kinh thần vụ (hát kinh thánh vịnh) cũng theo truyền thống này, tức là kinh chiều I của các ngày Chúa Nhật và lễ trọng được cử hành vào chiều ngày hôm trước lễ.
Giáo Hội qui định việc cử hành lễ các lễ trọng buộc và các lễ Chúa Nhật trong Giáo Luật, Ðiều 1248: §1 Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.
Tuy nhiên, trong khi việc cử hành thần vụ của các lễ trọng và lễ Chúa Nhật vẫn giữ theo giờ truyền thống (thường là 6 giờ chiều hôm trước), thì việc cử hành thánh lễ chiều Thứ Bảy được áp dụng mỗi nơi mỗi khác tùy Giám mục giáo phận qui định, nhưng phổ biến nhất vẫn là sau 3h chiều.
Một điểm cần lưu ý tiếp theo, đó là dù vào chiều Thứ Bảy bạn tham dự lễ cưới hay lễ tang, tức là không phải ý lễ cùng các bài đọc của ngày Chúa Nhật, thì vẫn được tính là lễ Chúa Nhật, có nghĩa là khi tham dự các lễ này, bạn cũng chu toàn bổn phận dự lễ ngày Chúa Nhật. Nếu thánh lễ trùng với lễ thường lệ của giáo xứ, thì thông thường phụng vụ Chúa Nhật sẽ được tuân theo.
M. Eugenius Nguyen OCist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO