HỎI. Bạn nghĩ thế nào về câu nói: "Tin Chúa là đủ, không cần theo đạo/sống đạo"?
ĐÁP.
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết xin lấy ví dụ để các bạn suy nghĩ và so sánh.
Bạn yêu một người, bạn có dám nói: Yêu là đủ rồi không cần nói ra, không cần theo đuổi!
Bạn là người chồng, người cha trong gia đình, bạn có dám nói: Tôi yêu vợ con tôi trong lòng là đủ, đâu cần phải quan tâm chăm sóc!
Chắc chắn bạn sẽ không đồng ý với kiểu yêu thương không có hành động thực tế phải không? Việc tin và sống đức tin cũng tương tự như thế, không thể tách rời.
TIN là một sự vâng phục, một sự dâng hiến. Khi tin ai, bạn trao trọn con tim cho họ, nghĩa là tin tưởng và phó thác, là yêu thương. Sự tin tưởng này diễn tả qua việc vâng theo và thực hành theo ý muốn của người yêu. Khi yêu ai, bạn tin tưởng và muốn làm vui lòng người yêu qua việc vâng lời và dùng hành động để diễn tả tình yêu ấy. Tin là một động từ, và động từ diễn tả 1 hành động.
Xin trích dẫn những lời trình bày rõ ràng sau đây của thánh Giacobe : Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? ... Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo : "Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ." Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? (Gcb 2,14-15.17-20).
Bạn nói bạn tin Chúa, nhưng không theo đạo, không sống đạo thì thật khó tin và khó thuyết phục. Bởi nếu tin Chúa mà cứ tự do sống theo ý mình thì Chúa đó chính là do bạn nghĩ ra chứ không phải Thiên Chúa đích thực. Chính nhờ tôn giáo (theo đạo) bạn mới được học hỏi và biết một cách đúng đắn về Thiên Chúa của mạc khải. Và nhờ thực hành đức tin (sống đạo) bạn mới diễn tả được cho người khác niềm tin của bạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét