HỎI. Bán Thầy là kế hoạch của Giuđa hay là kế hoạch của Chúa? Nếu đó là kế hoạch của Chúa thì phải chăng Giuđa chỉ là con tốt thí?

ĐÁP.

Trước hết vẫn phải xin nhắc lại rằng, lý do Giuda bán Chúa và ông có lỗi hay không chúng ta không biết được. Những suy luận bàn ở đây chỉ là những ý kiến cá nhân mà thôi.
Thiên Chúa không tiền định cho ai một số phận không thể thay đổi ngay từ khi họ sinh ra. Ngài không định cho ai làm người xấu và phải sa hỏa ngục, cũng không định cho ai làm người tốt và được hưởng phúc thiên đàng. Sự tiền định và ý muốn duy nhất của Chúa là "mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý". Thế nên, chắc chắn việc Giuda phản bội không phải là ý muốn hay kế hoạch tiền định của Thiên Chúa. Vì sao thầy dám khẳng định như thế? Thưa, vì Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở Giuda, thậm chí có lần còn nặng lời với ông để nhắc nhở và kêu gọi ông từ bỏ ý đồ đen tối đó. Xin trích dẫn ra đây những lần nhắc nhở ấy.
- (Mt 26,20-25/ Mc 14,17-21/ Lc 22,21-22): "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy ... Đã hẳn Con Người phải ra đi như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn!". Được nhắc nhở mạnh như thế, nhưng Giuda vẫn rất tỉnh và đáp lại: "Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?".
- (Ga 13,21): Đức Giêsu cảm thấy tâm hồn xao xuyến. Ngài tuyên bố: Thầy bảo thật anh em, trong anh em sẽ có kẻ nộp thầy ... Kẻ dơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, sẽ là kẻ nộp Thầy...
Rõ ràng Chúa Giêsu biết được âm mưu của Giuda và nhắc nhở thẳng mặt, nhưng Giuda không hoán cải. Nếu như đây là kế hoạch của Thiên Chúa và Giuda chỉ là con tốt thí, thì Chúa Giêsu sẽ không đau lòng và thao thức như thế, sẽ không tìm cách nhắc nhở ông như thế. Ngài không buồn vì mình bị phản bội, bị giết, mà vì sự cố chấp cứng lòng của môn đệ. Ngài đã hạ mình rửa chân cho ông (Ga 13,2-5), chấm bánh trao cho ông (Ga 13,26) như diễn tả tình thương của Ngài dành cho ông. Nhưng Giuda đã khước từ tình thương ấy, vẫn cam tâm bán thầy. Thậm chí ông còn dùng nụ hôn để chỉ điểm cho quân lính nhận ra mà bắt Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Có người nêu câu hỏi: Giả sử Giuda không bán Chúa thì làm sao Chúa chết đúng như kế hoạch được? Vậy thì rõ ràng Giuda chỉ là diễn viên trong kịch bản của Chúa? Câu trả lời của các giáo sư luôn là: Sự kiện đã xảy ra rồi nên không có chuyện nếu hay giả sử ở đây. Với lại, Thiên Chúa có nhiều cách thế mà chúng ta không biết được. Sự phản bội của Giuda chỉ là một nét cong mà con người vẽ lên, và Thiên Chúa đã vẽ đường thẳng trên những nét cong ấy, tức là tự do phạm tội của Giuda biến thành phương tiện thực hiện kế hoạch cứu độ. Thêm vào đó, Giáo Hội không khẳng định về số phận linh hồn của Giuda trong chuyện này. Điều khiến ông bị xét xử có lẽ là sự cố chấp và sự thất vọng tìm đến cái chết sau đó. Ông đã hối hận nhưng lại không sám hối, không tin vào lòng thương xót của Chúa và tự kết liễu cuộc đời mình, đó mới là điều đáng tiếc và đáng trách của ông.
Để rộng đường suy luận, thầy xin trích dịch một số quan điểm khác nhau về hành động bán Chúa của Giuda.
1. Giuda đã "vô tình" hay cố ý phản bội ? Hành động của ông nên hiểu tiêu cực là trở thành thù địch của Chúa Giêsu, hay nên hiểu tích cực là góp phần làm ứng nghiệm kế hoạch cứu độ của Chúa?
2. Làm thế nào để hòa hợp được giữa sự tiền định (kế hoạch) của Thiên Chúa và ý chí tự do của Giuda? Liệu Giuda có thể làm khác đi hay ông phải làm như thế theo ý định của Thiên Chúa?
Hai câu hỏi này xen lẫn nhau trong trình thuật có chút mâu thuẫn của Tân Ước, trong đó hành động của Giuda bị đánh dấu là tội ác, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng chính Chúa Giêsu tiên báo điều đó và Thiên Chúa để cho Chúa Giêsu chịu chết như là hậu quả bởi hành động đó của Giuda.
Vào thời Giáo Hội sơ khai, các sách ngụy thư và khải huyền (không được Giáo Hội công nhận) đã xem Giuda như một nhân tố quan trọng để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được ứng nghiệm. Do đó có người tôn vinh ông là "người giải phóng", hay thậm chí là một vị thánh. Sử gia Hans von Oort đồng ý với quan điểm này, và ông cho rằng chính Giuda đã giải thoát Chúa Giêsu khỏi kiếp phàm nhân qua việc giao nộp Ngài.
Các thánh giáo phụ khác, chẳng hạn như thánh Irene von Lyon tô điểm đậm nét hình ảnh tiêu cực cũng như sự hư mất đời đời của kẻ phản bội Giuda dựa theo Tin Mừng Gioan với những truyền thuyết về động cơ và cái chết của ông. Tương tự như thế phong trào bài Do Thái đã xem Giuda như nguyên mẫu xấu xa của người Do Thái. Căn cứ vào hành vi của Giuda, thánh Gioan Kim Khẩu đã soạn thảo những khoản luật qui định để đối xử với người Do Thái. Và những luật này đã được áp dụng vào thời Trung Cổ.
Đối với các môn đệ và bản thân Giuda thì cái chết của Chúa Giêsu quả là một thảm họa. Những hi vọng và dự định của họ tan vỡ. Giuda hối hận vì cho rằng mình là nguyên nhân gây ra thảm họa ấy nên trả lại tiền và tự vẫn. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh các môn đệ hiểu ra rằng Chúa Giêsu TỰ NGUYỆN để bị giao nộp và chịu chết theo ý muốn của Thiên Chúa (Mc 8,31; Mt 16,21) và khổ hình thập giá chính là hy lễ cứu độ của Ngài. Và một số sử gia cũng tin rằng, Philato không kết án tử Chúa Giêsu và đóng đinh Ngài chung với 2 tội nhân một cách tình cờ, đúng hơn có ý đồ chính trị trong đó.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO