HỎI. Tại sao đạo Công giáo không lan rộng và phát triển ở Việt Nam?

ĐÁP.

Đạo Công Giáo được các nhà thừa sai Châu Âu mang đến Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ 16 dưới thời vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Như thế cho đến nay, đạo Công Giáo đã có mặt ở Việt Nam gần 500 năm. Tuy nhiên đà tăng trưởng của đạo rất chậm. Theo thống kê năm 2018 thì tổng số tín hữu Công Giáo là hơn 7 triệu trên tổng số 95 triệu dân, chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn hơn 6% dân số. Đây là một tỉ lệ quá thấp. Điều đáng lưu ý và đáng buồn nữa là từ sau chiến tranh (1975) đến nay, số tín hữu không thay đổi (không tăng). Tại sao như thế?

Có 2 nguyên nhân:
+ Nguyên nhân chủ quan:
Sự rập khuôn cứng nhắc của các giáo sĩ truyền giáo: Đạo Công Giáo phát triển mạnh ở tây phương, nơi cách xa và có nền văn hóa, lối sống và lối suy nghĩ rất khác vùng đông phương chúng ta. Tuy nhiên khi mang Tin Mừng đến rao giảng ở Việt Nam, các vị truyền giáo đã giữ nguyên tư tưởng tây phương và buộc các tín hữu tân tòng phải tuân theo chứ không có sự thích ứng và hội nhập. Đây thực sự là một cản trở cho việc truyền giáo. Đặc biệt với việc xem tín ngưỡng thờ tổ tiên của Việt Nam (chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa) là mê tín đã gây nên sự thù ghét đạo mạnh mẽ mãi còn dấu ấn cho tới ngày nay. Mãi đến nửa cuối thế kỷ 18, các nhà truyền giáo mới hội nhập văn hóa và cho phép kính nhớ tổ tiên, giữ bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Sự bị động và thiếu tích cực truyền giáo của tín hữu Việt Nam (trong đó có chúng ta): Một vị Giám Mục từ Vatican sang thăm Giáo Hội Việt Nam đã phát biểu sau đó: Giáo Hội Việt Nam rất sống động nhưng quá khép kín, hài lòng với nề nếp sẵn có trong giáo xứ, giáo phận mà không mở ra và thiếu sự quan tâm truyền giáo. Rõ nét nhất ở miền bắc và miền trung còn có sự phân tách giữa làng giáo và làng lương, rồi có sự cấm cách kết hôn khác đạo và cấm người ngoại tham dự các nghi lễ Công giáo. Rất nhiều người trẻ Công Giáo Việt Nam giữ đạo theo kiểu bị động, ông bà cha mẹ có đạo thì tôi theo đạo, chứ không chịu khó tìm hiểu thêm và càng không quan tâm đến việc làm chứng đức tin của mình cho bạn bè ngoại đạo. Thậm chí có người còn cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ khi phải thể hiện đức tin qua việc làm Dấu Thánh Giá khi dùng bữa hay khi nói đến vấn đề niềm tin giữa xã hội. Việc học hỏi và sống Lời Chúa rất ít được quan tâm khiến cho đời sống đức tin không sâu đậm. Thật khó để truyền giáo và thuyết phục người ngoại theo đạo khi chính các tín hữu Công Giáo không sống tinh thần Tin Mừng.
Làn sóng bỏ nước ra đi sau năm 1975 cũng là một nguyên nhân làm giảm con số tín hữu Công Giáo trong nước.
+ Nguyên nhân khách quan:
Các triều đại phong kiến không đón nhận Tin Mừng: Trong khi ở tây phương việc truyền giáo diễn ra nhanh chóng và thành công do sự trở lại đạo của các vua chúa, dẫn đến việc cả nước theo đạo, thì ở Việt Nam điều này không xảy ra. Các vua chúa không quan tâm và thậm chí không muốn theo đạo, đặc biệt vì luật một vợ một chồng và bất phân ly hôn nhân. Các vua phong kiến xem mình là "thiên tử" và có quyền sinh sát trong tay, có quyền lấy cả ngàn thê thiếp tự do hưởng lạc thú. Vậy nên họ không thể chấp nhận bỏ đi đặc quyền này. Mặc dù lịch sử ghi nhận có nhiều vua quan có thiện cảm với đạo Công giáo nhưng không mấy người chịu trở lại.
Sự bách hại, tàn sát người Công Giáo dưới các triều đại phong kiến. Việc cấm tín hữu thờ tổ tiên đã khiến đạo Công Giáo bị ghét bỏ và đàn áp, bị kết án là tà đạo và chối bỏ tín ngưỡng của dân tộc. Thêm vào đó, yếu tố chính trị lúc bấy giờ càng gây nên làn sóng thù ghét và tàn sát người Công Giáo như một sự trả thù. Đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng của nhà Nguyễn, cuộc bách hại cực kỳ trầm trọng, nhất là khi thực dân Pháp có âm mưu tấn công Việt Nam. Tổng số tín hữu Công giáo bị giết chết dưới các triều đại phong kiến dự đoán có thể lên tới mấy trăm ngàn người.
Sự thịnh hành của Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian cũng là một cản trở cho việc truyền giáo. Trong khi đạo Công Giáo chỉ mới truyền đến Việt Nam từ thế kỷ 16, thì đạo Phật đã được truyền đến từ rất lâu và đã đi sâu vào văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ của người Việt. Giáo lý Phật giáo cũng khá bình dân và đơn giản chứ không quá thần học cao siêu. Điều này khiến người Việt khó đón nhận và khó thấu hiểu được một tôn giáo tây phương mang tính triết học và thần học. Hơn nữa, bản tính người Việt cũng thích ổn định theo nếp có sẵn nên rất ít người muốn thay đổi theo một tôn giáo mới.
Sự tuyên truyền sai lạc của nhà cầm quyền: Cho đến nay, tư tưởng thù ghét và thành kiến đạo Công giáo vẫn còn rất mạnh và phổ biến trong xã hội Việt Nam. Những luận điệu sau đây vẫn còn được nhắc đi nhắc lại như một kiểu nhồi sọ: Công Giáo là tay sai thực dân đế quốc dẫn đường cho tây phương xâm lược Việt Nam; Công Giáo là đạo của tư bản, không phù hợp với nền chính trị Việt Nam; Đạo Phật mới là đạo của người Việt... Mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã có rất nhiều thích nghi đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II (1962-1965) cho phép Giáo Hội địa phương "sống đạo giữa lòng dân tộc", hội nhập văn hóa và đón nhận nhiều truyền thống của địa phương vào trong nếp đạo. Nhưng những luận điệu tuyên truyền sai trái vẫn chưa được xóa bỏ, khiến không ít người Việt dị ứng và không thiện cảm với đạo Công Giáo. Từ những thành kiến này, họ không còn hứng thú tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo mà chỉ giữ khoảng cách và thậm chí là chống đối.
- Sự tục hóa: Cùng với sự phát triển vượt bậc về mọi lãnh vực thì thế giới ngày nay cũng rơi vào tình trạng tục hóa, nghĩa là vật chất lấn át tinh thần và tâm linh. Khi cuộc sống trở nên thoải mái và dễ dãi, người ta dần quen hài lòng và thỏa mãn với những gì đang có mà quên đi nhu cầu tâm linh, thậm chí cho rằng niềm tin tâm linh là không cần thiết nữa. Người ta trở nên hờ hững với những chủ đề tôn giáo, nhưng lại rất hào hứng với những chủ đề thế tục và dung tục. Một status và một hình ảnh khêu gợi trên mạng xã hội có thể thu hút cả triệu lượt xem và bình luận, còn một status chia sẻ tâm linh chỉ được vài chục người xem. Đôi mắt và đôi tai thể lý người ta ngập đầy những hình ảnh và âm thanh hỗn tạp, nhưng đôi mắt và đôi tai tâm hồn lại mù lòa và điếc lác. Thân xác no thỏa nhưng linh hồn lại đói khát. Trong khi đó, giáo lý Công giáo luôn kêu gọi một sự từ bỏ, một sự hãm mình kiêng bớt, làm chủ giác quan... những đòi hỏi đối với thời đại ngày nay là quá khó thực hiện. Vậy thì cách tốt nhất để không phải thực hiện là phớt lờ nó. Phớt lờ luôn cả Thiên Chúa và những gì liên quan đến Ngài. Trong bối cảnh của một nền "văn minh sự chết" như thế này, thật khó để Tin Mừng của Chúa lớn lên và lan tỏa.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO