HỎI. Thiên Chúa nhân từ và yêu thương. Vậy tại sao Ngài lại bắt Chúa Con chịu chết để đền tội cho nhân loại? Như vậy có phải Ngài quá nhẫn tâm không?
ĐÁP.
Trước hết cần khẳng định kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là một mầu nhiệm nên chúng ta chỉ có thể hiểu được phần nào đó bằng trí khôn của mình, phần còn lại chúng ta cần đến đức tin để đón nhận. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta cần nhìn nhận như thánh Anselmo: "Tôi tin vì điều ấy nghịch lý" (nói cách khác: Tôi tin vì điều ấy vượt quá trí hiểu của tôi).
Câu hỏi trên đây là một vấn đề liên quan đến đức tin đã được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử, và thậm chí nhiều người trở nên bất mãn hay thất vọng vì không thể chấp nhận một Thiên Chúa tàn ác, bắt con mình phải chết mới hả giận vì tội lỗi con người gây ra. Điều ấy không thể hòa hợp với câu nói của thánh Gioan: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,8.16). Chính bản thân thánh Anselmo (1033-1109), một triết gia và thần học gia nổi tiếng ở thời Trung Cổ, cũng đã suy tư rất nhiều về câu hỏi này, và sau đó ngài tìm cách lý giải điều ấy trong tác phẩm "Tại sao Thiên Chúa làm người?". Thầy xin trích dẫn câu hỏi và trả lời theo tư tưởng của thánh nhân.
Tại sao Chúa Kitô bắt buộc nhập thể làm người mới có thể xóa bỏ được tội nguyên tổ nơi con người? Thiên Chúa không còn cách nào khác hay hơn sao? Ngài toàn năng, vậy tại sao Ngài lại dùng một cách làm khó hiểu như thế?
Thưa có hai cách lý giải cho vấn đề này. Thứ nhất Thiên Chúa làm như thế vì con người chứ không phải vì Ngài. Ngài không bị tổn thương vì tội lỗi con người gây nên, mà chính là con người bị tổn thương. Từ vị trí thụ tạo cao cả "chẳng thua kém thần linh là mấy", con người "đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa". Con người nhận thức được tội đã phạm và muốn được đền bù, muốn được giải thoát. Nhưng tội xúc phạm đến Thiên Chúa tối cao cũng đòi hỏi con người có một lễ đền tội tương xứng, tiếc thay điều này con người không thể làm được. Xin lấy ví dụ cụ thể thế này, bạn là một người nghèo, một hôm bạn làm hư hại một đồ vật quý giá của nhà vua hoăc của một tỷ phú, bạn cảm thấy cần phải bồi thường cho lỗi lầm ấy. Nhưng bạn lấy gì để bồi thường khi bản thân nghèo hèn túng quẫn? Trong hoàn cảnh ấy, nếu nhà vua (hay đại gia ấy) thương xót bạn và tự bỏ tiền ra sửa chữa thay cho bạn thì mới được. Nếu không bạn sẽ không bao giờ đền trả đủ. Sự tha thứ của nhà vua giành cho bạn là không đủ, vì đồ vật bị hư cần sửa chữa.
Tương tự như thế, tội con người phạm đến Thiên Chúa tối cao toàn thiện toàn mỹ làm con người bị đánh mất đi vị thế cao cả, tội này con người không thể tự đền trả được mà cần có một lễ vật tương đương. Theo cách hiểu đó chỉ có lễ vật của chính Thiên Chúa ban mới tương xứng và Thiên Chúa đã ban chính Con của Ngài làm hy lễ đền tội cho chúng ta. Hay nói như thánh Irene, Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Chúa phải hạ mình xuống để nâng con người lên. Sự hạ mình ấy được diễn tả trong sự nhập thể của Chúa Giêsu.
Cách lý giải thứ hai của thánh Anselmo cho câu hỏi này là: Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả, nên tội con người phạm đến Thiên Chúa là một tội rất nặng, và tội này chỉ có thể được loại bỏ bằng một của lễ cao cả tương xứng. Lý luận này của thánh Anselmo còn được gọi là giáo thuyết về sự thỏa đáng, và ý tưởng về sự cần thiết nơi hy lễ của Chúa Giêsu. Trong khi thánh Augustino mô tả ơn cứu độ Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta là cách thích hợp nhất, thánh Anselmo muốn giải thích sự cần thiết trong kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này bao hàm hai ý tưởng mới: Thứ nhất, Thiên Chúa không thể tha thứ nếu không có hy lễ hòa giải; thứ hai, hy lễ hòa giải cũng phải là một hy lễ có giá trị vô song mà cái chết của Đấng Công Chính là điều cần thiết không thể không có bởi vì tội lỗi của con người phải được hiểu là một tội vô hạn vì phạm đến Đấng Vô Biên.
Có một sự mâu thuẫn khó giải thích thỏa đáng giữa sự công bằng vô cùng và thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Điều này dẫn đến hệ quả Thiên Chúa phải làm người để có thể dung hòa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, có khả năng hòa giải con người với Thiên Chúa nhờ cái chết trên thập giá, vì Ngài là Đấng vô tội đã dùng cái chết của mình để đem lại sự giao hòa, chỉ có hy lễ thập giá của Ngài mới cân bằng được tội tổ tông.
Nói một cách dễ hiểu hơn như thánh Phaolo: "Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập vào trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết.... Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính." (Rm 5,17-19)
Nhận xét
Đăng nhận xét