HỎI. Đi lễ trễ mức nào thì gọi là mất lễ?

 ĐÁP.

Trong luật cũ có qui định rằng ai đến sau phần phụng vụ Lời Chúa thì mất lễ. Nếu là lễ ngày thường thì họ không nên lên rước lễ, còn nếu là lễ Chúa Nhật thì họ phải tham dự thánh lễ khác nếu không sẽ không chu toàn luật giữ ngày Chúa Nhật.
Cho tới ngày nay, nhiều tín hữu vẫn còn giữ quan điểm này, tức là thánh lễ sẽ không trọn khi bị mất 1 trong 2 phần của thánh lễ (phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể).
Tuy nhiên, giáo luật hiện hành (1983) không còn qui định này nữa. Vấn đề này được giải thích rằng việc đi lễ quá trễ thường là ngoài ý muốn, tức là không cố tình, mà do những yếu tố khách quan. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà thần học luân lý và mục vụ đều cho rằng đến trễ sau phần truyền phép là mất lễ và tín hữu không nên rước lễ, và nếu đó là một ngày Chúa Nhật, thì phải tham dự một Thánh lễ khác. Do đó các người đến trễ lễ phải thành thật tự hỏi, tại sao? Nếu họ đến trễ vì một số lý do chính đáng hoặc sự kiện bất khả kháng, chẳng hạn như kẹt xe, thì họ không mất lễ và không có nghĩa vụ phải tham dự một Thánh lễ khác sau đó (mặc dù họ nên tham dự Thánh lễ khác, do họ đã đến quá trễ, nếu có thể được).
Nếu người nào đến trễ do ươn lười thì đáng trách, và đặc biệt là nếu họ làm như vậy thường xuyên, họ cần phải nghiêm túc xét mình và sửa đổi cách sống, thậm chí là cần đến với Bí Tích Hòa Giải.
Ngoài ra, giám mục giáo phận và linh mục giáo xứ vẫn có quyền ra qui định về vấn đề này, tức là ra giới hạn rõ ràng cho việc tham dự thánh lễ. Do đó, các giáo dân nên hỏi cha xứ của mình để biết rõ qui định riêng của ngài nếu có.
Như vậy, giáo luật hiện hành không qui định ranh giới rõ ràng về vấn đề đi trễ mức nào thì bị mất lễ. Trễ nại trong mọi sinh hoạt của cuộc sống đều là điều không nên, nhưng đôi khi không tránh được vì những lý do khách quan. Điều quan trọng là các tín hữu ý thức được bổn phận của mình, cũng như giá trị của việc tham dự thánh lễ. Bởi nếu biết trân trọng thánh lễ và ý thức bổn phận của mình, tín hữu sẽ cố gắng chu toàn, và khi ấy nếu đi lễ bị trễ thì ngay lập tức họ sẽ ăn năn thống hối xin lỗi Chúa. Còn những người vì ươn lười trễ nải thì chắc chắn họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và nhất là họ không nhận được ơn ích thiêng liêng.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO