HỎI. "Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào." (Ga 18,15-16) . Người môn đệ này là ai mà được phép đi vào dinh thượng tế và không bị hạch sách như Phêrô?
ĐÁP.
Theo nhà chú giải Kinh Thánh Ludger Schenke , tuy Tin Mừng không nói tên người môn đệ này, nhưng căn cứ vào cách dùng từ của tác giả, chúng ta đoán được môn đệ này chính là tông đồ Gioan.
Danh xưng "người môn đệ khác" hay "người môn đệ được Đức Giêsu thương mến" chỉ xuất hiện duy nhất trong Tin Mừng Gioan. Có 5 lần danh xưng này xuất hiện, lần thứ nhất trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,24); lần thứ hai tại dinh thượng tế (Ga 18,16); lần thứ ba dưới chân thập giá (Ga 19,26); lần thứ tư sáng ngày phục sinh (Ga 20,3.8). Và lần thứ 5 nằm ở cuối Tin Mừng Gioan (21,24) là điểm nhấn quan trọng: "Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra." Chính môn đệ này là nhân chứng trực tiếp tận mắt chứng kiến các sự việc và viết lại, đây là yếu tố hết sức quan trọng đến sự chân thật của Tin Mừng. Căn cứ vào kiểu nói quen thuộc này của Gioan, truyền thống hiểu rằng đây là cách tác giả Gioan nói về chính mình.
Tại sao môn đệ này (Gioan) quen biết vị thượng tế và được tự do đi vào dinh thượng tế? Đức Giáo hoàng Benedikto XVI trong bộ sách "Đức Giêsu thành Nazareth" đã chú giải rằng, gia đình ông Dêbêđê (gồm cả 2 con trai Giacobe và Gioan) thuộc dòng dõi tư tế và phục vụ đền thờ theo phiên bắt thăm (giống như ông Dacaria). Chính vì thuộc hàng tư tế nên các ông quen biết vị thượng tế cũng như hàng tư tế ở Giêrusalem. Có lẽ mỗi lần phục vụ ở đền thờ và những lần hội họp các tư tế (nhóm tư tế không thuộc về thượng hội đồng, ngoại trừ vị thượng tế), các ông đều đến thăm vị thượng tế và do đó mà người nhà của thượng tế đều biết các ông. Chính vì lẽ đó mà môn đệ này được tự do đi vào và còn mở cửa cho ông Phêrô vào.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét