HỎI. Vì sao Chúa Giêsu không gọi Đức Mẹ là Mẹ mà lại gọi là Bà?

ĐÁP.

Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy hai lần Chúa Giêsu gọi Đức Mẹ là Bà. Lần 1 là tại tiệc cưới Cana, khi Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu là đám cưới hết rượu, Ngài trả lời: "Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con (Tôi), Giờ của Con (Tôi) chưa đến" (Ga 2,4). Lần 2 là trước khi sinh thì trên thánh giá, Ngài trối Đức Mẹ lại cho thánh Gioan. "Thưa Bà, đây là con Bà." (Ga 19,27).
Đây đúng là một điểm gây khó hiểu cho chúng ta, khi thấy cách trả lời có vẻ không thân thiện của Chúa Giêsu với Mẹ của Ngài. Bởi con cái không khi nào xưng hô trực tiếp với mẹ mình như thế. Điểm này cũng tìm hiểu và giải thích khá nhiều, trong đó có 3 hướng nổi bật.
1. Thần học : cách giải thích thần học được chấp nhận rộng rãi đó là Chúa Giêsu muốn giới thiệu Đức Mẹ như Eva mới. Vì Eva phạm tội mà tội lỗi đi vào trần gian, thì nay vì Eva mới vâng lời Thiên Chúa mà ơn cứu độ được ban cho nhân loại.
Cách giải thích này được chấp nhận về khía cạnh đức tin và suy tư thần học. Nhưng đối với các tín hữu bình dân thì hơi khó khăn, vì nếu không được học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ không nhận ra ý nghĩa ám chỉ này. Và Chúa Giêsu có lẽ không muốn chơi chữ để đánh đố chúng ta như thế.
2. Linh đạo: Cách giải thích theo hướng đạo đức cho rằng Chúa Giêsu xưng hô như thế, hay rất có thể là thánh Gioan vì tôn kính Đức Mẹ, nên đã dùng cách xưng hô ấy, để nói lên thiên tính trổi vượt của Ngài. Đức Mẹ đã sinh ra Ngài, nhưng Ngài phải "lo việc của nhà Cha". Thánh Augustino suy niệm rằng, Chúa Giêsu mời gọi Đức Mẹ và mỗi chúng ta sống mối tương quan thiêng liêng với Ngài, hơn là tương quan thế gian.
3. Ngôn ngữ: Cách giải thích này cho rằng đây là cách xưng hô rất lịch sự của người Do Thái, chứ không thể hiểu trong văn hóa Việt Nam được. Do đó, chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt văn hóa ấy chứ không nghĩ theo văn hóa Việt Nam rồi cho rằng đó là thiếu tôn trọng.
Một điểm lưu ý là cách gọi "Thưa Bà" được thánh Gioan sử dụng khá nhiều trong Tin Mừng, cũng như trong các thư và trong sách Khải Huyền. Thế nên cũng có ý kiến cho rằng thánh Gioan quen cách xưng hô trang trọng này nên đã đặt lời ấy vào miệng Chúa Giêsu. Tuy một cách giải thích thỏa mãn chưa có, nhưng rõ ràng cho dù đây là cách dùng từ có chủ ý hay vô tình của thánh Gioan, thì Thiên Chúa đều biến thành khí cụ mặc khải, để chúng ta thấy được ý nghĩa sâu xa của từ ngữ ấy.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO