HỎI: Vì sao Thiên Chúa của Cựu Ước lại nghiêm khắc và bạo lực như vậy?
ĐÁP.
Câu hỏi như vầy là không chính xác vì có vẻ phân biệt giữa Thiên Chúa của Cựu Ước với Thiên Chúa của Tân Ước. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy không phải bây giờ mới có mà ngay từ thế kỷ thứ 4 đã xảy ra, và thậm chí là xuất phát từ một giám mục dẫn đến lạc giáo Marchion (tên của vị giám mục này). Ông cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị thần độc ác, nghiêm khắc và hay thịnh nộ, khác hoàn toàn với Thiên Chúa được Chúa Giêsu rao giảng trong Tân Ước, và như vậy là có 2 Chúa chứ không thể nào một Chúa mà mâu thuẫn như thế. Trong khi đó, đức tin Công giáo là: Chỉ có MỘT Thiên Chúa, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy cho đến muôn đời.
Thêm vào đó, có vẻ rất nhiều người có ấn tượng không tốt với các trình thuật của Cựu Ước về những cơn thịnh nộ, sự trừng phạt hay trả thù của Chúa... và không ít người đã bỏ đạo vì không thể chấp nhận một Thiên Chúa độc ác như thế. Tuy nhiên, vấn đề thiếu sót một phần từ các linh mục không giảng giải rõ ràng, phần khác là do các bạn không tìm hiểu Kinh Thánh, đặc biệt nhất là không hiểu các bản văn ấy trong bối cảnh Do thái giáo cùng với lịch sử cứu độ (còn gọi là quy Kitô tức là hướng về mặc khải được trọn vẹn nơi Chúa Giêsu) mà chỉ dừng lại nơi mặt chữ, nghĩa đen của bản văn rồi sa lầy ở đó.
Trước hết như đã nói nhiều lần, để hiểu đúng hơn về các bản văn Cựu Ước, các bạn phải hiểu một chút về lịch sử Do Thái và đặt mình vào hoàn cảnh ấy. Tiếp đến, các bạn cần biết là các bản văn Kinh Thánh có nhiều tầng ý nghĩa nên không được phép dừng lại ở nghĩa đen. Và cao hơn nữa là phải nhận ra mặc khải cứu độ được chuyển tải trong Kinh Thánh chứ không được xem đó như những bản văn thuần lịch sử theo nghĩa khoa học.
Trong phần trả lời này, thầy xin lưu ý đến khía cạnh lịch sử và mục đích giáo dục của cách mô tả Thiên Chúa như một vị thần ghen tương, hay thịnh nộ và thẳng tay trừng phạt không thương xót. Đồng thời, thầy cũng sẽ mở rộng vấn đề để giúp các bạn có những hướng nhìn khác. Phần trình bày có lẽ khá dài, nên xin được chia làm 2 phần đăng trong 2 ngày để các bạn có thời gian đọc và suy nghĩ.
Đầu tiên xin bàn về ngắn gọn về lịch sử ra đời và mục đích của các sách Cựu Ước.
Có thể nói ngắn gọn thế này, Kinh Thánh Cựu Ước là những tác phẩm văn chương nhiều thể loại của Do Thái giáo (lịch sử, ngôn sứ, văn thơ tôn giáo) của nhiều tác giả và được tổng hợp lại trong một thời gian dài. Phần lớn các sách lịch sử và ngôn sứ được biên soạn trong thời gian lưu đày ở Babylon vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giáng Sinh. Một số khác được viết sau thời lưu đày và quá trình biên soạn này kéo dài tới khoảng thế kỷ thứ 2 (tr.CN).
Các sách Cựu Ước không phải là sách lịch sử đúng nghĩa khoa học, mà là sách lịch sử tôn giáo và cần hiểu trong cái nhìn về mạc khải cứu độ được hoàn tất nơi Chúa Giêsu. Vậy nên, những câu chuyện được mô tả trong Cựu Ước có thể có nội dung thật, nhưng các chi tiết mô tả được thêm bớt, bởi các sách này được viết sau các sự kiện ấy cả 1000 năm thì không thể nào chính xác được. Có thể so sánh một chút với lịch sử các vua Hùng của Việt Nam chúng ta. Lịch sử xác nhận triều đại các vua Hùng có tồn tại, nhưng các sự kiện của thời ấy chính xác đến mức nào thì không ai dám khẳng định.
Nói như vậy không có nghĩa là các sách này hoàn toàn là hư cấu và sai sự thật lịch sử. Nhưng như đã nói, nội dung lịch sử có thật, còn các chi tiết và các sự kiện có thể được thêm bớt. Chẳng hạn như lịch sử đã xác nhận dân Israel từng cư ngụ bên Ai Cập và đã xây dựng các kim tự tháp cho Pharaoh…
Phần lớn các sách quan trọng của Cựu Ước như bộ Ngũ Kinh và sách các ngôn sứ được viết trong thời lưu đày ở Babylon. Lý do là vì khi ấy dân Israel bị tản mác giữa dân ngoại, không có đền thờ hay hội đường cũng như không còn các sinh hoạt tôn giáo sống động như ở quê hương. Tình trạng này dẫn tới sự lãng quên, thờ ơ và thậm chí là bỏ đạo, đặc biệt nơi những thế hệ hậu bối được sinh ra tại nơi lưu đày. Nhiều tín hữu Do Thái bỏ tôn giáo của tổ tiên để theo tôn giáo của dân ngoại. Trước tình trạng này, những tín hữu trung thành, các ngôn sứ, tư tế đã thực sự lo lắng và không thể ngồi yên được nữa. Lòng nhiệt thành với Thiên Chúa của tổ tiên thúc dục họ phải làm gì đó để nhắc nhở, cảnh báo và kêu gọi dân Israel hoán cải, đồng thời cũng là cách để lưu truyền đức tin cho các thế hệ sau. Họ đã viết sách để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như nhắc nhở con cháu về đức tin của cha ông vào một Thiên Chúa độc nhất của Israel. Như vậy mục đích chính của các sách Cựu Ước là lưu truyền đức tin và giáo dục.
Thiên Chúa được mô tả trong các sách ấy bắt nguồn từ lòng nhiệt thành và cảm xúc của người viết. Họ đã phản chiếu suy tư của chính mình và mong muốn Thiên Chúa ra tay trừng phạt những kẻ phản bội. Cách mô tả này cũng có mục đích giáo dục theo hướng đe dọa làm cho người ta khiếp sợ. Lối giáo dục xưa kia là dùng hình phạt và roi vọt, điều mà các bạn trẻ thế hệ 8x ở VIệt Nam có lẽ đã nếm trải. Điều đó có nghĩa rằng, do não trạng và cách giáo dục thời bấy giờ, người ta nghĩ rằng dùng hình phạt để dạy dỗ mới có hiệu quả. Do đó, hình ảnh một Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ phản loạn bất tín là cần thiết để răn đe dân chúng trước nguy cơ đánh mất đức tin của tổ tiên trong hoàn cảnh lưu đày. Hình ảnh của Thiên Chúa được mô tả phản chiếu suy nghĩ và cách hiểu của người viết thời bấy giờ. Như vậy, để chấp nhận được cách trình bày về Thiên Chúa như vậy, trước tiên chúng ta cần đặt mình vào bối cảnh lịch sử và nếp giáo dục thời ấy để nhìn nhận vấn đề.
Có lẽ có bạn sẽ nói: Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng thì không thể sai lầm. Và nếu sai thì là lỗi của Chúa Thánh Thần! Thưa không, bởi như đã nói ngay từ đầu, Kinh Thánh có nhiều tầng ý nghĩa và điều thầy nói trên đây là tầng nghĩa thứ nhất, tức là nghĩa đen của bản văn. Chắc chắn Kinh Thánh do Chúa Thánh Thần linh hứng, nhưng không có nghĩa là Ngài đọc cho tác giả viết, mà sự linh hứng nằm ở tầng nghĩa thiêng liêng, mặc khải chương trình cứu độ. Điều này có nghĩa là chương trình cứu độ được mạc khải qua ngôn ngữ của con người với những giới hạn của nó, của nếp sống, nếp suy nghĩ và văn hóa. Chúng ta cần chấp nhận và đồng thời vượt qua ngăn trở của những giới hạn ấy. Hình ảnh một Thiên Chúa thịnh nộ và nghiêm khắc phần nào phản ánh suy tư của người viết sách, kèm theo đó là mục đích giáo dục răn đe dân Israel trước nguy cơ đánh mất đức tin. Tuy nhiên, có một yếu tố chủ quan nơi độc giả đó là bị sa lầy và ám ảnh bởi những sự trừng phạt nghiêm khắc được gán cho Chúa, mà không đọc hết các bản văn của bộ Cựu Ước để thấy những diễn tả thân thương về Thiên Chúa.
Mặc khải của Cựu Ước là một quá trình tiệm tiến phù hợp với từng giai đoạn nhận thức của con người. Khi nhận thức dân chúng chưa cao và với những kẻ cứng đầu cứng cổ, người ta dùng hình phạt để giáo dục răn đe; còn với những người yếu đuối và đau khổ, các ngôn sứ thường giới thiệu cho họ một Thiên Chúa "chậm giận và giàu tình thương", như người mẹ không bao giờ quên đứa con thơ của mình, hay như người chồng kiên nhẫn với cô vợ đĩ điếm... Nhiều tín hữu Công giáo chỉ biết đến Kinh Thánh qua những bài đọc trong thánh lễ, ngoài ra không tự mình tìm hiểu hay đọc thêm. Và vô tình, họ lại dễ ghi nhớ những câu chuyện mang tính bạo lực của Cựu Ước chứ không nhớ đến những hình ảnh đáng yêu, dịu hiền của Thiên Chúa. Đây là điều đáng tiếc và thầy mong các bạn chịu khó học hỏi Lời Chúa hơn.
Trong hoàn cảnh lưu đày, có vẻ như các tác giả sách thánh đã dùng phương pháp giáo dục "vừa đấm vừa xoa". Một mặt họ răn đe dân chúng với sự nghiêm khắc và thịnh nộ của Thiên Chúa để kêu gọi dân hoán cải trở về với Chúa. Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không bao giờ là để hủy diệt, nhưng luôn là lời mời gọi hoán cải. Đó là một Thiên Chúa "giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời". Mặt khác các ngôn sứ an ủi động viên những người dân đang buồn bã trong cảnh lưu đày bằng hình ảnh Thiên Chúa nhân từ và trung tín, không bao giờ bỏ rơi dân của Ngài.
Điểm độc đáo mà chúng ta tin là sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đó là tuy sách thánh do nhiều tác giả biên soạn trong những thời gian và địa điểm khác nhau, nhưng nội dung xuyên suốt luôn là giới thiệu và bảo đảm về ơn cứu độ, về Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát dân. Tất cả những điều này sẽ được ứng nghiệm trong Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, để hiểu đúng Kinh Thánh, hiểu đúng những câu chuyện mô tả sự thịnh nộ của Thiên Chúa, thì tất cả đều phải đặt trong cái nhìn hướng về Chúa Kitô. Chẳng hạn, câu chuyện Chúa giết các con đầu lòng Ai Cập và vượt qua nhà của người Do Thái có bôi máu trên cửa sổ. Đây là câu chuyện tiên báo về mầu nhiệm cứu độ. Đức Kitô được nhìn thấy nơi những đứa con đầu lòng bị giết vì Ngài cũng là con đầu lòng. Vết máu trên cửa cũng nói lên máu cứu độ mà Ngài sẽ đổ ra và những ai tin nhận Ngài sẽ được máu ấy cứu thoát khỏi sự chết do tội lỗi. Rồi hình ảnh dân Israel vượt qua Biển Đỏ là biểu tượng của bí tích Rửa Tội. Cũng như dân Israel đi từ cảnh nô lệ bên Ai Cập đến sự tự do bên kia Biển Đỏ, thì bí tích Rửa Tội cũng giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi. Hình ảnh quân đội Ai Cập chết đuối trong biển, là biểu tượng của tội lỗi và nết xấu bị loại bỏ...
Như thế, để hiểu rõ Cựu Ước thì cần phải có Tân Ước, bởi Tân Ước, đặc biệt các sách Tin Mừng, chính là sự kiện toàn của Cựu Ước. Cựu Ước giới thiệu về Thiên Chúa dưới nhiều khía cạnh, trước tiên là hay thịnh nộ và nghiêm khắc, rồi đến trung tín và yêu thương... Nhưng mạc khải về Thiên Chúa chỉ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài giới thiệu cho chúng ta một Thiên Chúa tình yêu, "Thiên Chúa yêu thế gian quá đỗi, đến nỗi đã ban con một", và là Đấng trung tín "nếu chúng ta không trung tín, thì Ngài vẫn một lòng trung tín, vì Ngài không thể nào chối bỏ chính mình".
Tóm lại, những mô tả về Thiên Chúa trong Cựu Ước là chưa trọn vẹn và chưa nói lên được yếu tính của Ngài, đó là tình yêu. Do đó, các bạn không được phép dừng lại nơi những đoạn văn Cựu Ước rồi cảm thấy khó chấp nhận một Thiên Chúa nghiêm khắc và độc ác, mà cần đặt bản văn trong toàn bộ Kinh Thánh, cần hiểu một chút lịch sử, văn hóa tôn giáo và đức tin của Do Thái giáo, đặc biệt là trong cái nhìn quy Kitô của Công giáo. Chỉ có như vậy, các bạn mới không bị sa lầy trong hiểu biết hạn hẹp về Thiên Chúa mà trái lại thấy được sự mạc khải tiệm tiến độc đáo của Thiên Chúa qua ngôn ngữ giới hạn của con người.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét