HỎI. Hiểu thế nào về câu nói của Chúa Giêsu: "Phần anh em đừng gọi ai dưới đất này là thầy (rabbi), là cha"?
ĐÁP.
Trong hai mệnh đề của câu nói trên, chúng ta chỉ cần quan tâm đến vế thứ hai "đừng gọi ai dưới đất là cha". Vì thực ra danh xưng "thầy" mà giáo dân Việt Nam gọi các tu sĩ, chủng sinh không mang ý nghĩa "rabbi - thầy dạy" như lời Chúa nhắc nhở. Danh xưng Thầy chỉ là để phân biệt ơn gọi (người đi tu chưa linh mục). Trong các ngôn ngữ khác như tiếng latinh hay tiếng anh thì danh xưng này chính xác là Frater/ brother (dịch sát nghĩa sẽ là anh/ em).
"Đừng gọi ai dưới đất là cha" (Mt 23,9) cần được đặt trong mạch văn liên hệ với chương 22, khi người Phariseu muốn thử Chúa Giêsu bằng cách hỏi Ngài về việc đóng thuế. Chúa Giêsu trả lời: "Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa" (Mt 22,21). Tiếp đó là việc Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ và dân chúng về sự giả hình của nhóm Pha-ri-siêu, những người thích làm thầy thiên hạ, thích ăn trên ngồi trước, thích được tôn trọng...
Theo giáo sư Bernhard Vozesky thì trong đế chế La Mã thời bấy giờ, hoàng đế (Xê-da) được tôn kính như thần, có cả nghi lễ tôn kính dành riêng cho vua. Dân chúng phải dâng lễ vật và thờ lạy Vua không khác gì tôn thờ thần linh. Xê-da cũng tự xưng và muốn dân chúng coi mình là CHA của cả dân tộc. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy dân chúng không gọi ai dưới đất này là cha, ám chỉ không tôn thờ hoàng đế - một người phàm - như Thiên Chúa. Vì với ngài, danh xưng Cha chỉ giành cho Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất.
Trọng tâm của lời dạy "không gọi ai dưới đất là cha" liên quan đến giới răn thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự. Không gọi ai dưới đất là cha, nghĩa là không đặt ai trên Chúa và không tôn thờ ai ngoài Chúa.
Giáo hội công giáo từ thế kỷ thứ 3, bắt đầu dùng danh xưng cha để gọi các linh mục, giám mục và giáo hoàng theo hướng qui Kitô, có nghĩa rằng các mục tử là đại diện Chúa Kitô lãnh đạo cộng đoàn của mình. Danh xưng Cha khi này không được hiểu cách phạm thượng như hoàng đế Roma, tức là xem mình là trum tâm, "cha của thiên hạ", mà hiểu theo nghĩa mục tử là đại diện Chúa Kitô làm người cha thiêng liêng của gia đình giáo xứ, giáo phận hay giáo hội.
M. Eugenius Nguyen OCist
Nhận xét
Đăng nhận xét