HỎI. Lời cầu nguyện "xin cho chúng con lương thực hằng ngày" trong Kinh Lạy Cha có ý nghĩa gì?


ĐÁP.
Khi đọc lời nguyện này, hầu hết tín hữu đều nghĩ đến sự phó thác, xin cho "lương thực hằng ngày dùng đủ" theo nghĩa thực tế vật chất cơm ăn áo mặc. Hiểu như vậy không sai, nhưng chưa đủ.
Lối hiểu thứ hai xem "lương thực hằng ngày" ở đây là thánh ý của Chúa. Vì Đức Giêsu đã có lần nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4,34). Vậy nên, thực thi ý Chúa chính là : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33). Toàn thể nhu cầu của thế giới chúng ta chỉ là phụ, chỉ là cho sau, chỉ là cho thêm mà thôi, chứ món quà lớn nhất thì Cha đã ban rồi. Nhưng để nhận được những nhu cầu đó thì chúng ta phải ưu tiên đặt Chúa lên vị trí hàng đầu, ưu tiên đón nhận Chúa Giêsu là món quà lớn nhất trước tiên, rồi những nhu cầu khác Người sẽ cho sau.
Lối hiểu thứ ba xem "lương thực hằng ngày" chính là Thánh Thể.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo có cái nhìn quy Kitô - Kitô học, xác định lời cầu nguyện trên đây theo lối hiểu thứ 2 và thứ 3, nhấn mạnh cách đặc biệt tới Thánh Thể (GLHTCG số 2837):
Chữ "lương thực" trong nguyên ngữ Hy lạp (épiousios: vượt trên cái cốt yếu) trực tiếp chỉ về Bánh Hằng Sống, Mình Thánh Chúa, phương dược trường sinh, nếu thiếu chúng ta không có Sự Sống. Cuối cùng, liên kết với những gì vừa nói trên đây, ý nghĩa Nước Trời rất rõ: "hằng ngày" là Ngày của Chúa, Ngày của Tiệc Nước Trời đã được cho thấy trước trong Thánh Lễ để chúng ta nếm trước Nước Trời đang đến. Vì thế nên cử hành Thánh Thể "hằng ngày".
"Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sức mạnh hiệp nhất: hiệp nhất chúng ta với Thân Thể Đấng Cứu Độ và làm cho chúng ta trở nên chi thể Người, để chúng ta trở thành Thân Thể của Đấng chúng ta lãnh nhận... Lương thực hằng ngày cũng được ban trong các bài đọc chúng ta nghe mỗi ngày ở nhà thờ, trong các thánh thi chúng ta nghe và hát. Tất cả đều cần thiết cho chúng ta trên đường lữ hành" (T. Âu-tinh).
Cha Trên Trời khuyến khích chúng ta là con cái Nước Trời hãy xin Bánh Bởi Trời. Đức Ki-tô là tấm bánh: Thiên Chúa gieo trong lòng Đức Trinh Nữ, cho lớn lên trong xác phàm, nhào nắn trong cuộc Khổ Nạn, nướng trong mộ đá, cất giữ trong Hội Thánh, dọn ra trên các bàn thờ, và mỗi ngày cung cấp cho các tín hữu làm lương thực trường sinh.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO