HỎI. Tại sao khi chúng ta hi sinh chịu đau khổ lại làm sáng Danh Chúa? Có phải Chúa thích đau khổ không?


ĐÁP.
Thiên Chúa không thích đau khổ và không muốn con người đau khổ. Ngài đã dựng nên con người cùng mọi sự rất tốt đẹp, và Ngài muốn con người sống hạnh phúc trong tương quan hài hòa với mọi loài và nhất là với Ngài. Sự dữ và đau khổ phát sinh sau khi con người phạm tội, phá vỡ sự hài hòa và làm tổn thương tương quan tốt đẹp ban đầu.
Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý xảy ra là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không rút được sự lành từ chính sự dữ , bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu. (Giáo lý số 324).
Đau khổ tự nó là sự dữ, mà Thiên Chúa là Đấng thiện hảo, nên chắc chắn Ngài không muốn được tôn vinh nhờ đau khổ. Do đó, con người chịu đau khổ không phải là vinh danh Chúa. Ý nghĩa của đau khổ ở đây cần được hiểu trong liên hệ với hy tế thập giá của Đức Giêsu Kitô. Ngài đã trải qua đau khổ và cái chết để cứu độ nhân loại, và từ sự hi sinh của Ngài mà thập giá - một dụng cụ hành hình - trở thành Thánh Giá, nơi sinh ra hoa quả của ơn cứu độ. Qua cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu đã mang lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu thế, dùng đau khổ để cứu độ. Như vậy, đau khổ là điều kiện để Chúa Giêsu bước vào vinh quang phục sinh.
Chúng ta không thể diệt trừ đau khổ, nhưng có thể góp phần làm giảm bớt đau khổ bằng sức mạnh của yêu thương, công bình, bác ái, cảm thông…Ta không thể diệt trừ được đau khổ, nhưng có thể thắng được nó bằng cách chấp nhận mọi gian khổ thử thách để góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô.
Noi gương Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận những đau khổ không thể tránh được trong cuộc sống trần gian này để cộng tác vào việc cứu độ của Thiên Chúa và mưu ích cho chính linh hồn mình cũng như cho thế gian. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần tìm kiếm đau khổ và vui mừng vì đau khổ như tình trạng những người khổ dâm - sung sướng khi bị đau đớn. Trái lại, chúng ta chấp nhận những đau khổ xay đến trong sự hiệp thông với đau khổ của Đức Giêsu. Chính trong ý hướng này mà chúng ta có thể hiểu chịu đau khổ là làm vinh danh Chúa, tức là tôn vinh cuộc khổ nạn - Thánh Giá của Chúa, bởi vì được chia sẻ đau khổ đang phải chịu với đau khổ của Ngài.
"Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài". (Tv 119,71)
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO