HỎI. Vì sao Thiên Chúa lại cho phép ma quỷ cám dỗ con người?


ĐÁP.
Chúng ta thường nghe những lý lẽ tương tự như : "Nếu Chúa không cho quỷ cám dỗ, thì có lẽ nguyên tổ đã không phạm tội và con người sẽ không phải đau khổ."
Nhưng cần lưu ý rằng ma quỷ không có khả năng ép chúng ta phạm tội, mà chỉ cám dỗ xúi giục, còn việc sa ngã phạm tội là quyết định tự do của mỗi chúng ta. Có thể so sánh cám dỗ của ma quỷ giống như quảng cáo của các công ty, nó đánh vào lòng ham muốn và sở thích của khách hàng, kích thích khách hàng mua sắm. Các công ty không hề bắt ép khách hàng phải mua, nhưng quảng cáo của họ đã đánh trúng thị hiếu khiến cho khách hàng muốn mua. Cám dỗ của ma quỷ cũng tương tự như thế.
Tiếp đến, dù không muốn, chúng ta vẫn phải lặp lại điệp khúc "sự dữ là một mầu nhiệm mà con người ở đời này không thể hiểu thấu". Điệp khúc này có vẻ như một lời biện minh, nhưng sự thực thì nó là như thế.
Lý luận đạo đức cho rằng Chúa dùng ma quỷ cám dỗ để thử thách đức tin, để biết con người có tin yêu Chúa và vững lòng cậy trông hay không. Lý luận này tuy đạo đức, nhưng về lý thì không thuyết phục, bởi lẽ Thiên Chúa biết con người yếu đuối luôn có nguy cơ sa ngã. Thêm vào đó Ngài không thể "dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt" hay nói khác đi là "mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu". Sẽ rất khó thuyết phục khi Thiên Chúa tốt lành lại dùng ma quỷ và sự dữ như phương tiện với mục đích huấn luyện và thử thách con người yếu đuối.
Nhiều câu truyện trong Kinh Thánh chẳng hạn như truyện ông Gióp, ông Tobit... được trình bày theo lối này. Tác giả thường mô tả Thiên Chúa dùng ma quỷ và đau khổ để thử thách đức tin của người công chính, xem họ có trung thành với Ngài không. Nhưng chúng ta cần lưu ý đó là cách trình bày của con người hình dung về Thiên Chúa theo cách hiểu của họ, chứ Thiên Chúa không như thế.
Một cách lý luận khác là Thiên Chúa tôn trọng tự do của cả ma quỷ lẫn của con người. Sau khi sa ngã, satan vẫn tiếp tục chống lại Thiên Chúa và chúng cám dỗ con người ngả theo phe chúng. Hoạt động của satan là tự do của nó. Cũng thế, con người được Thiên Chúa ban cho tự do để nói có hay không với sự dữ. Thiên Chúa quan phòng nhưng không can thiệp vào tự do con người. Ngài chỉ dùng tiếng nói lương tâm hoặc các trung gian để cảnh tỉnh và nhắc nhở con người khi họ bị cám dỗ, nhưng Ngài không ngăn cản họ phạm tội, vì đó là tự do của họ.
Sẽ không quá nếu nói Thiên Chúa "bất lực" trước tự do của con người. Ngài làm được mọi sự, nhưng vì quá yêu thương, Ngài không muốn tước đoạt tự do của con người. Con người trở thành một thụ tạo vượt trổi hơn mọi loài là nhờ tự do này, họ được phép chọn lựa và quyết định giữa điều thiện và điều ác, giữa Thiên Chúa và satan. Thế nên, nếu Thiên Chúa ngăn cản và can thiệp liên tục vào cuộc sống thì hóa ra con người chỉ là những con rối mà thôi.
Thiên Chúa để cho ma quỷ cám dỗ con người vì tự do của chúng, chứ không phải là ý muốn và ý định của Ngài. Bởi chưng Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha rằng: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Nếu Ngài dùng ma quỷ để cám dỗ, thì chắc hẳn Ngài sẽ không dạy con người phải cầu nguyện như thế, bởi nếu đó là kế hoạch của Ngài thì ai tránh nổi? Và rồi nói như thánh Phaolo: "Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên hữu ích cho những ai yêu mến Người" (Rom 8,28). Thiên Chúa có khả năng "vẽ đường thẳng trên những nét cong". Ngài lấy sự cám dỗ của ma quỷ thành cơ hội để nhắc nhở con người về sự yếu đuối của họ và để họ biết rằng họ không thể đứng vững nếu không có Thiên Chúa. Thiên Chúa đã "nhân vì sự ấy", nghĩa là tuy cám dỗ của ma quỷ không phải là ý muốn và ý định của Thiên Chúa, nhưng xuất phát từ tự do của ma quỷ, thì Ngài dùng điều không tránh khỏi theo qui luật tự do ấy, thành dụng cụ, thành bài học để nhắc nhở con người.
Và tóm lại, nói như thánh Giacobe: "Khi anh em bị cám dỗ thì đừng nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt." (Ga 1,13-14). Như vậy thì nguyên nhân khiến chúng ta sa ngã nằm chính nơi chúng ta, đúng như câu nói "kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Cám dỗ thực ra chỉ là mồi nhử, chỉ là tác động, còn quyết định hành động cuối cùng phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Do đó, việc cần làm là luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để cầu xin ơn Chúa trợ giúp. Rồi khi yếu đuối sa ngã thì nhanh chóng trỗi dậy trở về với Thiên Chúa, bởi Ngài luôn từ bi nhân hậu và đợi chờ chúng ta.
M. Eugenius Nguyen OCist


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO