HỎI. Tại sao Đức Giêsu truyền làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi (Mt 28,19). Nhưng các tông đồ rửa tội nhân danh Đức Giêsu (Cv 2,38)?


ĐÁP.
Đúng như một số bạn đã trả lời, lệnh truyền của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matheu (28,19) là một mệnh lệnh và trở thành công thức Ba Ngôi của bí tích Rửa Tội. Còn việc thánh Luca, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, gọi "phép rửa nhân danh Chúa Giêsu" là để nhằm phân biệt với các phép rửa khác, ví dụ như phép rửa của Gioan mà Luca đề cập tại Cv chương 1, 10, 11, 13, 18, và 19, hay phép rửa của phái Essene, hay các nghi thức tẩy rửa khác của người Do Thái..., chứ không phải là công thức rửa tội.
Tiếp đến, chúng ta lưu ý đến ngôn ngữ sẽ thấy rõ vấn đề hơn. Trong bản gốc tiếng Hy Lạp, lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mt 28,19) dùng giới từ EIS (có nghĩa là trong/ in): "Hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ "trong" (nhân) danh Cha, Con và Thánh Thần". Giới từ EIS nhấn mạnh đến yếu tố mệnh lệnh, ra lệnh, tương tự như các kiểu nói: Nhân danh quyền của người kế vị tông đồ Phêrô, giáo hoàng tuyên bố...; hoặc nhân danh chính phủ, thủ tướng quyết định... Điều này nói lên rằng, ơn cứu độ ban qua phép rửa là do quyền năng của Ba Ngôi bởi được thực hiện trong danh Ba Ngôi.
Trong khi đó khi tường thuật về việc các tông đồ làm phép rửa, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,38) dùng giới từ EPI - có nghĩa là theo. Câu nói của thánh Phêrô: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người phải chịu phép rửa nhân danh (epi) Đức Giêsu Kitô" với giới từ EPI nên hiểu là "theo lệnh truyền của Đức Giêsu", để thuộc về Đức Kitô. Giới từ epi nhấn mạnh yếu tố thuộc về. Và như đã nói ban đầu, kiểu nói này là để phân biệt phép rửa của Đức Giêsu với các phép rửa khác.
Như thế, hai giới từ trong hai trình thuật là khác nhau và nhấn mạnh hai khía cạnh khác nhau. Một bên nói đến một mệnh lệnh phải làm (nhân danh Ba Ngôi trong phép rửa); bên kia nhấn mạnh đến khía cạnh làm theo lệnh truyền (làm theo lệnh truyền của Đức Giêsu). Và như thế, không phải là các tông đồ làm sai mệnh lệnh, sai công thức Đức Giêsu đã truyền, mà là do cách trình bày của người viết sách để phân biệt cũng như để nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau của phép rửa.
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO