Hỏi: Thử suy luận xem tại sao Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đi trên mặt nước ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều?
ĐÁP.
Dẫu biết rằng điều Chúa làm vượt quá hiểu biết của con người, vì "tư tưởng của Chúa ai dò cho thấu". Nhưng chúng ta vẫn được phép dựa vào mạch văn và sự liên hệ của các câu chuyện trong Tin Mừng để lý giải một phần nào đó các sự kiện đã xảy ra, để giúp hiểu hơn về sứ điệp của Chúa.
Để dự đoán được ý đồ của Đức Giêsu khi Ngài thực hiện dấu lạ đi trên mặt nước để đến với các môn đệ, ngay sau dấu lạ hóa bánh ra nhiều, chúng ta cần lưu ý một số chi tiết sau đây.
- Tin Mừng Gioan gọi các việc lạ Đức Giêsu thực hiện là DẤU LẠ chứ không phải PHÉP LẠ. Và Tin Mừng Gioan chỉ ghi nhận 7 dấu lạ mà thôi, trong khi Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại rất nhiều phép lạ.
- Mỗi Dấu Lạ là tiền đề cho một bài giảng của Đức Giêsu. Và dấu lạ là để dẫn chứng cho bài giảng thêm thuyết phục.
- Đức Giêsu ưu tiên củng cố đức tin cho các môn đệ thân tín của Ngài, bởi Ngài sẽ dùng họ làm nền tảng xây dựng Giáo Hội.
Liên kết 3 điểm trên đây lại, chúng ta có thể nêu lên một vài suy luận về câu chuyện chương 6 Tin Mừng Gioan như sau. Dấu lạ hóa bánh ra nhiều là tiền đề cho bài giảng về bánh trường sinh. Từ dấu lạ của bánh vật chất, Đức Giêsu giới thiệu bánh thiêng liêng: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông" (6,26). Nhưng bài giảng về bánh trường sinh của Ngài đã không được dân chúng hiểu và đón nhận, nhất là khi Ngài nói với họ: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (6,51). Người Do Thái không hiểu và không chấp nhận các lời này: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" (6,52). Không chỉ dân chúng, mà nhiều môn đệ của Đức Giêsu cũng tuyên bố: "Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?" (6,60).
Quả thật, không con người bình thường nào có thể biến thịt máu mình thành của ăn cho người khác, ngoại trừ Thiên Chúa quyền năng. Nhưng con người Giêsu khi ấy hoàn toàn giống như một người bình thường, thì làm sao Ngài có thể thuyết phục người khác tin vào lời rao giảng được? Đức Giêsu đã lường trước được điều đó, và Ngài đã thực hiện dấu lạ đi trên mặt nước để củng cố đức tin và chứng minh cho các môn đệ thân tín nhất biết Ngài là ai.
Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm kể lại sự kiện Hiển Dung như một cách bày tỏ thần tính của Đức Giêsu, thì Tin Mừng Gioan dùng dấu lạ đi trên mặt nước. Quả thật, một người bình thường không thể nào đứng vững và đi trên mặt nước trong giông bão cả. Dấu lạ Đức Giêsu làm, do đó, là bày tỏ thiên tính và quyền năng của Ngài. Ngài chưa phục sinh, chưa trở về với thần tính vốn có, nhưng Ngài đã có thể vượt qua giới hạn của tự nhiên với dấu lạ lạ lùng này.
Với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ thân tín và chứng minh cho các ông thấy Ngài là Thiên Chúa có quyền năng vượt trên tự nhiên, Đức Giêsu đã đi trên mặt biển hồ trong đêm bão tố để đến với thuyền các môn đệ đang chao đảo. Và qua dấu lạ đó, các môn đệ thân tín này sẽ hiểu được phần nào và đón nhận giáo lý về bánh hằng sống mà Đức Giêsu rao giảng sau đó. Bằng chứng là khi một số môn đệ thất vọng và rời bỏ Đức Giêsu, Ngài đã hỏi nhóm còn lại: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?" Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (6,67-69). Nhờ được tận mắt chứng kiến thầy mình đi trên mặt nước trong đêm bão tố, các môn đệ thân tín này đã tin vào quyền năng của Đức Giêsu có thể biến máu thịt Ngài thành bánh trường sinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét