Chia sẻ kinh nghiệm du học
1. Làm sao để nhanh thích nghi với nếp sống nơi xứ người?
Một trong những khó khăn đầu tiên khi đi du học là vấn đề ăn uống. Vì thức ăn mỗi nước có sự khác nhau, và khác biệt giữa thức ăn của Việt Nam với châu âu càng đặc biệt lớn. Thế nên nhiều sinh viên Việt Nam đi du học đã gặp khó khăn trong chuyện ăn uống. Có người không dám mạo hiểm thử thức ăn tây vì sợ bị vấn đề tiêu hóa, nên tự nấu các món ăn việt hoặc ăn mì gói suốt. Đó là một điều không nên.
Người Đức có câu nói "Küche ist Kultur - cái bếp là văn hóa" - với ý nghĩa rằng thức ăn là một nét văn hóa của mỗi nước, mà mỗi nước lại có nét khác nhau. Vậy nên khi đến nước khác, bạn nên làm quen với thức ăn ở đó. Dĩ nhiên bạn không thể thích nghi ngay lập tức được, và có thể gặp vấn đề về tiêu hóa một thời gian người ít người nhiều, nhưng đừng vì thế mà không dám mạo hiểm. Vì khi tập ăn thức ăn của nước bạn, bạn sẽ học được nhiều thứ và đồng thời cơ thể bạn cũng sẽ bắt đầu thích nghi văn hóa mới, bởi ăn uống cũng là một nghệ thuật. Ở phương tây phong cách ăn uống khá được chú trọng và nó diễn tả tính cách, nếp sống của họ, vậy nên khi ăn thức ăn của họ, bạn sẽ biết thêm về họ.
Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng, người nào thích nghi nhanh với thức ăn của nước bạn, thì khả năng ngoại ngữ cũng tiến bộ nhanh. Mặc dù không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này, nhưng kinh nghiệm cá nhân thầy thấy như vậy. Dĩ nhiên có yếu tố khả năng ngôn ngữ mỗi người mỗi khác, nhưng rõ ràng khi bạn hòa mình vào cuộc sống của nước bạn, thì bạn sẽ tiếp thu và tiến bộ nhanh; còn bạn nào cứ khép mình trong nhà, suốt ngày lo vấn đề kiếm thức ăn (việt nam) và nấu nướng, thì vừa mất nhiều thời gian, vừa càng khép mình lại trong nếp sống riêng. Như vậy thì khả năng giao tiếp + ngoại ngữ càng chậm tiến bộ.
Làm sao để khả năng ngoại ngữ tiến bộ nhanh hơn?
Bước 1: Kết bạn với người bản xứ
Có lẽ việc nói ngoại ngữ là một khó khăn chung của các du sinh Việt Nam. Người Việt chúng ta học ngữ pháp khá nhanh và nắm vững, việc làm bài tập ngữ pháp không bao giờ là vấn đề khó. Tuy nhiên, nói và nghe lại là một khó khăn lớn. Nguyên nhân một phần đến từ sự ngại ngùng thiếu tự tin, sợ nói người ta không hiểu mình. Tâm lý sợ sệt và ngại ngùng khiến cho nhiều khả năng nói và nghe hiểu của nhiều du sinh Việt Nam tiến bộ rất chậm. Một lý do kèm theo cũng đáng lưu ý đó là khi đến nơi xứ lạ, người ta luôn muốn tìm kiếm, kết bạn và giao lưu với người đồng hương Việt Nam. Đây là điều tốt và nên có, nhưng nguy cơ kèm theo đó là các nhóm bạn này suốt ngày gặp gỡ, sinh hoạt với nhau và nói tiếng Việt.
Thời gian ban đầu khi mới đến đất nước lạ, các bạn tìm kiếm người Việt để giao lưu kết bạn là điều dễ hiểu, vì sẽ tìm được sự nâng đỡ và bớt cô đơn bơ vơ. Nhưng về lâu về dài thì việc giao lưu thường xuyên với người Việt sẽ là cản trở chuyện học ngoại ngữ của các bạn. Dĩ nhiên nói tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng dễ dàng và thoải mái hơn, nên người ta thích nói hơn. Nhưng khi đã xác định mục đích là đi du học, thì các bạn phải thực hành ngoại ngữ. Bởi nếu thường xuyên nói tiếng Việt, bạn sẽ càng khó nói ngoại ngữ vì gặp vấn đề phát âm.
Cách giải quyết là hãy mạnh dạn kết bạn với người bản xứ và thường xuyên gặp gỡ nói chuyện với họ. Người bản xứ tuy có vẻ lạnh lùng bên ngoài, nhưng họ rất thân thiện và nhiệt tình. Khi bạn thành thật chia sẻ với họ và nhờ họ giúp đỡ vấn đề phát âm hay cần người để thực hành nghe - nói, họ sẽ giúp đỡ bạn hết lòng. Kết bạn và nói chuyện với người bản xứ vừa giúp bạn mỗi ngày thêm tự tin, và nhờ đó khả năng phát âm và nghe hiểu sẽ tiến bộ rất nhanh. Không chỉ có vậy, bạn sẽ học thêm được nhiều cách nói của người bản xứ, đôi khi không theo qui tắc ngữ pháp, nhưng lại rất phổ biến.
Một lợi ích tiếp theo của việc làm quen và hòa mình với người bản xứ, đó là bạn sẽ giành được thiện cảm của họ, được họ yêu mến và tôn trọng. Bạn sẽ không còn cảm thấy bơ vơ lạc lõng, và cũng không có nhu cầu phải tìm kiếm người Việt để giải tỏa nữa.
(còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét