Hỏi. Bạn sẽ trả lời thế nào khi bị chất vấn: "Thời đại này rồi mà còn tin Chúa, còn theo đạo làm gì để bị ràng buộc mất tự do"?
ĐÁP.
Câu hỏi này có hai vấn đề cần trả lời:
1. Thời đại này còn tin Chúa?
Triết gia Aristoteles khẳng định rằng, "con người tự bản chất là tôn giáo", nghĩa là từ thâm sâu lòng con người cảm nhận và tin vào một thế lực siêu hình tuyệt đối. Từ xưa cho tới nay, cho dù có nhiều người tuyên bố là vô thần, không tin thần thánh, nhưng thực tế là người ta không thể phủ nhận được có một thế lực siêu nhiên nào đó vượt trên thế giới này. Người vô thần khi gặp đau khổ, bế tắc, vẫn chấp tay cầu xin may mắn, xin ông trời hay "mẹ thiên nhiên" phù trợ. Người ta có thể chối bỏ hay chống lại các tôn giáo, nhưng cái khao khát sự thiện từ thâm sâu lòng con người thì người ta không thể phủ nhận, và đó là dấu chỉ của "bản tính tôn giáo" bẩm sinh nơi họ. Người Công Giáo xác định được đối tượng đức tin của họ là Thiên Chúa, Thượng Đế Tối Cao, và họ tin thờ một đối tượng cụ thể, chứ không phải mơ hồ.
Tiếp đến, con người có lý trí và biết suy tư sẽ thao thức tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ bằng trí khôn thông thường, người ta đã có thể thắc mắc về nguồn gốc và mục đích của con người trên thế giới này. Sự khác biệt quá lớn giữa con người và các loài động thực vật khác lẽ ra đã là manh mối khiến con người phải thấy được giá trị của mình. Tôi cũng thế, tôi tin con người không ngẫu nhiên xuất hiện trên đời rồi sau đó biến mất. Nỗi khao khát sự sống, khao khát sự thiện và khao khát hạnh phúc trong lòng khiến tôi hiểu rằng có một điều gì đó cao hơn thế giới vật chất này. Và đồng thời tôi tin con người không chỉ là vật chất, mà có linh hồn bất tử, bởi rõ ràng trong tôi luôn có khao khát bất tử. Tuy nhiên tôi thấy rằng vật chất là vô thường chóng qua, trong thế giới vật chất này, dù khoa học và kinh tế phát triển đến đâu, dù người ta giàu cỡ nào, thì họ vẫn không bao giờ thỏa mãn được những khát khao trong sâu thẳm lòng mình. Từ đó tôi tin rằng có một Đấng Tuyệt Đối - Thiên Chúa.
2. Theo đạo làm gì để bị ràng buộc mất tự do?
Hầu như 100% người Việt Nam đều có niềm tin, nhưng những người không theo một đạo nào cụ thể, thì thường "vái tứ phương", mỗi dịp lễ tết là lại đi chùa hay lên đền để khấn xin cho quốc thái dân an, cho gia đình hạnh phúc... Nhưng họ không hề biết họ đang cầu xin với ai. Sự mơ hồ trong đức tin khiến người ta nghĩ ra những vị thần phù hợp với mong muốn của lòng họ, một vị thần chung chung mơ hồ. Người tin mơ hồ cũng dễ dàng hình dung thượng đế theo suy nghĩ riêng và rốt cuộc chúa họ thờ là chính họ, là sở thích và ý riêng của họ chứ không phải một Thiên Chúa đích thực. Và điều nực cười, là người ta cầu xin ơn trên đủ thứ, nhưng không muốn có bổn phận và trách nhiệm cụ thể nào. Người ta không theo đạo (Công Giáo) chỉ vì cho rằng đạo lắm lề luật rắc rối làm mất tự do. Nhưng họ không biết rằng, lề luật của đạo chỉ nhằm mục đích giúp con người ý thức trách nhiệm và bổn phận mà thôi.
Khi tôi tin vào sự hiện hữu của thượng đế, tôi thấy mình cần hiểu thêm về Ngài, và đạo sẽ giúp tôi. Đạo giúp tôi biết tôi tin ai, và vị ấy không phải là sản phẩm do tôi tự nghĩ ra. Đạo Công Giáo là một tôn giáo có cơ cấu chặt chẽ, có giáo lý rõ ràng, khiến tôi thêm xác tín vào niềm tin của mình. Chính nhờ theo đạo mà tôi mới được học hỏi và biết một cách đúng đắn về Thiên Chúa của mạc khải. Tôi không thấy lề luật của đạo ràng buộc làm mất tự do, nhưng đúng hơn, giúp tôi chu toàn trách nhiệm của mình và không lầm lạc. Lề luật là kim chỉ nam (la bàn) giúp người ta không lạc lối, chứ không phải xiềng xích trói buộc.
Xét một cách khách quan thì lề luật của xã hội nhiều và chi li hơn luật đạo, nhưng tại sao người ta không thấy luật xã hội gò bó mất tự do? Thưa, vì người ta không phạm luật nên không để ý đến chúng. Chỉ người làm điều xấu và người ích kỷ muốn tự do sống theo ý mình mới thấy lề luật gò bó.
Tương tự như thế, luật đạo không gò bó nếu tôi nương theo luật mà sống. Luật giúp tôi vững vàng trong đức tin và trong đời sống. Lề luật và tôi giống như sợi dây và con diều. Nếu xem sợi dây là thứ gìn giữ bảo vệ thì tôi sẽ điều khiển con diều bay cao; còn nếu nghĩ sợi dây ràng buộc con diều rồi cắt bỏ, thì con diều sẽ bị gió cuốn bay bất định và rơi xuống đất.
Nhận xét
Đăng nhận xét