HỎI. Mặc khải là gì? Các mặc khải tư có cần phải tin không?
ĐÁP.
Mặc khải là từ Hán-Việt, nguyên nghĩa là vén màn lên, cũng có thể dịch là tỏ lộ ra, làm sáng tỏ. Chữ mặc khải được dùng để nói về việc Thiên Chúa tỏ lộ cho con người được biết về Ngài qua Kinh Thánh và nhất là qua Chúa Giêsu.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận có 2 loại mặc khải: Mặc khải chung và mặc khải tư.
+ Mặc khải chung: là mặc khải qua Kinh Thánh và đặc biệt qua Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Mặc khải này đã trọn vẹn và kết thúc trong Chúa Giêsu.
+ Mặc khải tư: là việc Chúa tỏ lộ những điều huyền bí, mầu nhiệm cho một số cá nhân nào đó trong Giáo Hội. Mặc khải ấy đôi khi được chính Chúa tỏ lộ qua thị kiến hoặc giấc mơ, hoặc đôi khi Chúa nhờ Đức Mẹ hay một thiên thần thực hiện điều đó. Tuy nhiên cũng cần lưu ý có 2 thứ bậc của mặc khải tư. Một là những mặc khải được Giáo Hội nhìn nhận cách công khai, chẳng hạn như mặc khải của Đức Mẹ ở Lộ Đức (Pháp) cho thánh nữ Bernadet, hay Đức Mẹ ở Fatima (Bồ Đào Nha) cho 3 trẻ mục đồng; hay gần chúng ta hơn nữa là mặc khải Lòng Thương Xót cho thánh nữ Faustina. Hai là các mặc khải tư đang được Giáo Hội xem xét và chưa nhìn nhận công khai rộng rãi (dạng này có rất nhiều).
Mặc khải chung là Kinh Thánh thì chúng ta buộc phải tin, đó là tiêu chuẩn chân lý hướng dẫn đức tin của tín hữu. Còn mặc khải tư thì không buộc phải tin mà chủ yếu là để khuyến khích lòng đạo đức. Tuy nhiên có một thực tế đáng lưu ý là rất nhiều các tín hữu Công giáo thích đọc những mặc khải tư hơn là Kinh Thánh, có lẽ vì lời Kinh Thánh khá cao sâu khó hiểu, còn các mặc khải tư đơn giản dễ hiểu hơn và có nhiều chi tiết hấp dẫn gợi sự tò mò và đem lại nhiều cảm xúc. Việc đọc mặc khải tư không bị cấm, nhưng cần lưu ý rằng đó không phải là điều buộc phải tin và đôi khi gây nguy hại cho những tâm hồn yếu đuối và bối rối. Sau khi đọc những mặc khải này, người bối rối dễ bị hoang mang hoặc thậm chí là ảo tưởng và sợ hãi. Thế nên thầy khuyên các bạn cần cẩn trọng và lưu ý, nên tìm hiểu Kinh Thánh nhiều hơn là chỉ mải mê đọc và truyền bá các mặc khải tư, đặc biệt là những mặc khải tư mà Giáo Hội đang chưa nhìn nhận công khai.
Nhận xét
Đăng nhận xét