HỎI. Thế nào gọi là "Giáo Hội DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, CÔNG GIÁO và TÔNG TRUYỀN" ?


ĐÁP.
1. Una - Duy nhất (một)
Giáo Hội duy nhất. Lời tuyên xưng chỉ có một Giáo Hội, tức là Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập. Giáo Hội duy nhất này bao gồm nhiều giáo hội địa phương hiệp nhất trong đức tin tông truyền, trong cử hành các bí tích và sự tông truyền còn được diễn tả cụ thể qua bí trích truyền chức (x. GLHTCG 814). Công đồng Vatican II nói về Giáo Hội: „Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển“ (LG 8 ). Các cuộc phân ly xảy ra đã làm tổn thương sự duy nhất của thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô và làm hen ố sự khả tín của đức tin Công giáo. Tất nhiên cần lưu ý là Giáo Hội Đông Phương không phải là ly giáo, vì có sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hoàn vũ: Tuân giữ trọn vẹn giáo lý của Chúa Kitô, cử hành bảy bí tích và có sự tông truyền.
Các giáo hội khác bắt nguồn từ Kháng Cách không có sự hiệp thông trọn vẹn với Công Giáo. Tất nhiên Giáo Hội Công Giáo thừa nhận nơi các giáo hội này „có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý“ (LG 8): „Lời Chúa, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy và đức mến cũng như các đặc sủng khác của Chúa Thánh Thần và các yếu tố hữu hình“ (Unitatis redintegratio - UR 3). Những yếu tố này cũng là trung gian của ơn cứu độ. „Nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo.“ (LG 8 )
2. Sancta – thánh (thiện)
Giáo Hội là thánh, không theo nghĩa là mọi thành viên của Giáo Hội đều thánh thiện, nhưng đúng hơn theo nghĩa của cộng đoàn của ơn cứu độ. Giáo Hội là trung gian đem lại ơn cứu độ – Đức Phanxico đã diễn tả rất cụ thể khi ngài mô tả Giáo Hội như Lazarett. Các bí tích là các hình ảnh của các phương thuốc chữ lành các vết thương hằng ngày gây đau khổ cho chúng ta. Trong các bí tích chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô. Giáo Hội là một cộng đoàn chữa lành, không chỉ bao gồm những người còn sống, mà cả người đã qua đời. Hình ảnh rõ ràng được diễn tả trong ba thành phần (Giáo Hội lữ hành, đang chiến đấu với tội lỗi và cám dỗ của satan); Giáo Hội đau khổ (các linh hồn trong luyện ngục) và Giáo Hội chiến thắng (các thánh và accs linh hồn đã được hưởng thánh nhan Chúa). Ba thành phần này của Giáo Hội duy nhất có thể nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện.
3. Catholica – Công Giáo
Thuật ngữ “công giáo” (catholica) có nghĩa là “phổ quát”, hoặc “theo tính toàn bộ” hoặc “theo sự toàn vẹn”. Hội Thánh là công giáo theo cả hai nghĩa: Hội Thánh là công giáo bởi vì trong Hội Thánh có Đức Kitô hiện diện. Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công giáo. Nơi Hội Thánh, tồn tại sự sung mãn của Thân Thể Đức Kitô, được kết hợp với Đầu của mình điều đó có nghĩa là Hội Thánh đã nhận được từ Đức Kitô “đầy đủ các phương tiện cứu độ theo như Người muốn: lời tuyên xưng đức tin chính xác và trọn vẹn, đời sống bí tích toàn vẹn và thừa tác vụ thánh chức trong sự kế nhiệm tông truyền. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh đã là công giáo từ ngày lễ Ngũ Tuần và mãi mãi sẽ là công giáo cho đến ngày Chúa quang lâm. (số 830).
4. Apostolica - Tông truyền
Giáo Hội được xây trên nền tảng các tông đồ, đứng đầu là Phêrô – tảng đá (petrus). Vì Chúa Kitô đã chọn các tông đồ và sai đi loan báo giáo lý của Ngài, đồng thời ban cho các ngài quyền bính trọn vẹn để thi hành chức vụ tư tế và thầy dạy. Quyền bính này các tông đồ đã truyền lại cho các giám mục qua bí tích truyền chức cho tới hôm nay không hề gián đoạn – gọi là tông truyền. Các giám mục kế vị các tông đồ và có năng quyền trọn vẹn, tức là các ngài có thể cử hành mọi bí tích. Các giám mục hiệp nhất với giám mục Roma – đức giáo hoàng – thi hành quyền giáo huấn. Giáo huấn của Giáo Hội đặt nền tảng trên truyền thống của các tông đồ – gọi là đặc tính tông truyền.
M. Hạnh Tử
Dịch từ: Chú giải Kinh Tin Kính - Auslegung des Credoa


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO