HỘI THÁNH RỒI SẼ RA SAO?


Vào thế kỷ thứ 4, khi lạc thuyết Ariô đang thắng thế và lan tràn trong Giáo Hội - Lạc thuyết này phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu, xem Ngài chỉ là thụ tạo đầu tiên và hoàn hảo của Chúa Cha, nhưng không phải là Thiên Chúa – khiến cho nội bộ Giáo Hội chia rẽ và bách hại lẫn nhau. Nhiều người khi ấy đã phải thốt lên lời cảm thán "Hội Thánh rồi sẽ ra sao đây?" Người ta cảm thấy một tương lai ảm đạm và mù mịt khi một Giáo Hội vừa thoát khỏi sự bách hại thảm khốc của La Mã, lại rơi vào tình cảnh "nồi da xáo thịt“ bởi chính các thành viên của mình.
Thánh Pacomio, thời ấy là viện phụ của các ẩn sĩ trong sa mạc ở Ai Cập, khi hay tin những chia rẽ nghiêm trọng trong Giáo Hội, đã sai hai môn đệ đi đến Alexandria (thủ đô của Ai Cập thời ấy và có cộng đoàn Công giáo lớn ở đó) để tìm hiểu vấn đề. Sau một thời gian nghe ngóng tin tức, hai môn đệ buồn bã trở về. Khi gặp lại hai môn đệ, lời đầu tiên thánh Pacomeo hỏi là "Hội Thánh ra sao rồi?“. Và câu trả lời của hai môn đệ là: Thê thảm và tang thương, nội bộ Hội Thánh chia rẽ, giám mục Arius được vua chúa ủng hộ ra tay bách hại các giáo sĩ và giáo dân trung thành với giáo lý truyền thống. Thánh giám mục Anathasio bị bắt đi đày biệt xứ, "mục tử bị đánh và đàn chiên tan tác“.
Khi mới nghe tin, thánh Pacomeo hết sức lo lắng và buồn bã. Ngài sợ hãi cho tương lai của Hội Thánh, bởi sự chia rẽ và bách hại trong nội bộ nguy hiểm hơn rất nhiều so với bách hại từ bên ngoài. Tuy nhiên, ngài tin tưởng lời Chúa hứa luôn bảo vệ Giáo Hội "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế“; và hơn nữa, Hội Thánh ấy được xây dựng trên tảng đá Phêrô, mà Chúa đã hứa là "cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi“. Thế nên, chắc chắn những gì đang xảy ra là thử thách chứ không phải là "dấu hiệu cáo chung“ của Hội Thánh. Vững tin như thế nên thánh Pacomeo kêu gọi các môn đệ ăn chay cầu nguyện cho Hội Thánh. Ngài xem những khó khăn đang xảy ra là cuộc thanh luyện của Chúa, để làm cho Hội Thánh tinh tuyền hơn.
Đến thời trung cổ, Hội Thánh thậm chí còn rơi vào tình trạng nguy cấp hơn, với những cuộc ly giáo lớn như GH Chính Thống (1054); Kháng Cách (1517) và Anh Giáo (1521). Kèm theo đó là những vấn đề nhức nhối ngay trong lòng Hội Thánh. Hội Thánh có vẻ như đứng trước một thách thức lớn lao về sự tồn vong. Và khi ấy, những người lạc quan nhất cũng thấy sợ hãi cho tương lai của Hội Thánh. Nhưng rồi Hội Thánh vẫn đứng vững nhờ ơn Thánh Linh soi sáng canh tân qua các vị thánh, các vị lãnh đạo, và nhất là qua lời cầu nguyện của biết bao tín hữu nhiệt thành.
Ngày nay, chúng ta cũng đang nhìn thấy Hội Thánh phải đối mặt với thật nhiều thách đố từ bên trong lẫn bên ngoài. Giáo hội ở Tây Phương như đang trong cơn "hấp hối“ xã hội tục hóa ngày càng loại trừ đức tin ra khỏi đời sống con người. Từ một xã hội được xây dựng trên căn tính Kitô giáo, nhưng tới nay Châu Âu ngày một xa rời đức tin. Tỉ lệ người bỏ đạo cao; ơn gọi linh mục và tu sĩ thiếu hụt trầm trọng; các scandal của hàng giáo sĩ làm giảm uy tín của Hội Thánh... Châu Âu giống như một cụ già thoi thóp chờ chết!
Giáo Hội ở những nơi khác như Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á, tình trạng tuy có phần đỡ hơn, nhưng các vấn nạn vẫn đầy dẫy. Giáo Hội cũng đối mặt với biết bao thử thách khó khăn. Trong bối cảnh đó, có lẽ nhiều người cũng đang lo lắng cho tương lai của Hội Thánh với trăn trở tự hỏi "Hội Thánh rồi sẽ ra sao?“ Ngay lúc này, chúng ta hãy noi gương thánh Pacomeo và các tín hữu thời sơ khai, thay vì lo lắng sợ hãi và thất vọng, thì hãy siêng năng cầu nguyện cho Hội Thánh. Hãy là những tín hữu có trách nhiệm và dấn thân, cùng nhau hợp sức đẩy mái chèo giúp con thuyền Hội Thánh vượt qua giông bão, chứ đừng như những kẻ ích kỷ, lên án phê bình Hội Thánh, rồi muốn nhảy khỏi con thuyền ấy để tự cứu lấy mình.
Là thành viên trong Hội Thánh, mỗi người chúng ta có trách nhiệm và bổn phận liên đới cho việc phát triển và bảo vệ Hội Thánh. Chúng ta cần bắt đầu từ những hành động cụ thể nhỏ bé như: cầu nguyện; tích cực tham gia vào sinh hoạt của Hội Thánh; tìm hiểu học hỏi Kinh Thánh và giáo lý để biết "tôi tin vào ai“, và rồi nhờ đó, chúng ta can đảm "trả lời cho những người hạch hỏi về niềm hi vọng của chúng ta“. Và cùng với nhau, chúng ta chính là đáp án cho câu hỏi "Hội Thánh sẽ ra sao“, bởi mỗi người chúng ta chính là Hội Thánh.
Xin Chúa gìn giữ Hội Thánh của Ngài luôn mãi như lời Ngài đã hứa. Amen
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO