HỎI. Theo giáo lý HTCG, hôn nhân giữa hai người ngoại đạo có giá trị bất khả phân ly như hôn nhân Công Giáo không?


ĐÁP. CÓ
Hôn nhân giữa hai người ngoại (không có yếu tố tôn giáo) còn được gọi là hôn nhân tự nhiên. Theo giáo lý HTCG, Thiên Chúa thiết định ngay từ ban đầu rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là bất khả phân ly. Ngài đã dựng nên "con người có nam có nữ" (St 1,27) và đem họ đến với nhau. Và "người nam sẽ bỏ cha bỏ mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành MỘT XƯƠNG MỘT THỊT" (St 2,24). Như vậy, hôn nhân là sự kết hợp gắn bó không thể chia lìa của một người nam và một người nữ. Qua giao ước hôn nhân và qua hành vi dâng hiến cho nhau, cả hai trở nên một. Hôn nhân chính là biểu tượng mạnh mẽ và cụ thể nhất sự gắn bó của tình yêu chung thủy giữa hai người đặt trọn niềm tin cho nhau. Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et spes) của CĐ Vatican II số 48 nói về sự thánh thiện của hôn nhân được Đấng Tạo Hoá thiết lập, là sự ưng thuận cá nhân mà không thể rút lại được. Ngoài ra, bản chất hôn nhân là tình yêu lứa đôi quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái làm đỉnh cao, vậy nên hôn nhân là bất khả phân ly. Như vậy, chưa bàn đến yếu tố tôn giáo, thì hôn nhân tự bản chất đã là bất phân ly theo ý muốn của Thiên Chúa. Do đó giáo lý HTCG khẳng định, sự kết hợp hôn nhân không ai có thể phân ly tháo gỡ được. Hôn nhân bao gồm hai yếu tố: - Yếu tố nội tại: Đây là yếu tố quyết định. Khi kết hợp với nhau thành MỘT XƯƠNG MỘT THỊT, thì người ta không còn là hai, không còn tôi và anh (chị), nhưng là chúng ta. Hai người trở thành một gia đình. Sự nên một này được diễn tả cụ thể nơi đứa con. Đứa con chính là sự kết hợp và hội tụ của cha và mẹ. Sự bất phân ly của hôn nhân giống như việc người ta không thể xẻ đôi đứa con ra được, bởi như vậy nó sẽ chết. - Yếu tố ngoại tại (yếu tố pháp lý): Giao ước hôn nhân được thiết lập công khai và được xã hội (và tôn giáo) thừa nhận. Yếu tố này giúp nhìn nhận và bảo vệ hôn nhân gia đình. Và lẽ ra yếu tố này cần được tôn trọng để khẳng định chắc chắn thêm yếu tố nội tại. Như vậy xét từ nội tại, hôn nhân là không thể phân ly, bởi phân ly đồng nghĩa với giết chết. Do đó, sự phân ly (ly dị) thực chất chỉ là sự phá hủy yếu tố ngoại tại (yếu tố pháp lý) giống như tuyên bố kết thúc hay hủy bỏ một hợp đồng. Tuy nhiên giáo lý HTCG xét tới yếu tố nội tại, sự kết hợp nên một của hai người nên một trong hôn nhân mới là yếu tố cốt lõi. Thế nên, tự bản chất hôn nhân là bất khả phân ly từ nội tại. Như đã nói ở trên, hôn nhân chính là biểu tượng mạnh mẽ và cụ thể nhất sự gắn bó của tình yêu chung thủy-trung thành. Do đó, ly dị chính là sự phá hủy/ làm mất đi giá trị quan trọng bậc nhất mà con người cần trong đời sống, đó là sự trung thành (chung thủy), đồng thời cũng là giết chết sự tin tưởng lẫn nhau giữa con người. Không có lòng tin và sự trung tín, trung thành, mọi tương giao của con người sẽ chỉ dừng lại ở mức xã giao đối phó. Trong khi đó, hôn nhân gia đình là diễn tả cụ thể nhất của sự tin tưởng và trung thành này, thế nên phân ly hôn nhân chính là phá hủy yếu tố quan trọng giúp gìn giữ và xây dựng đời sống xã hội. Đời sống hôn nhân chắc chắn có nhiều khó khăn và thách đố, vì hôn nhân không phải là thiên đàng. Tuy nhiên, hôn nhân chính là môi trường nuôi dưỡng và thực hành sự trung tín. Do đó, xét từ căn bản, việc ly dị (phân ly hôn nhân) là điều không thể, và thực sự là điều đáng tiếc. Có thể nói rằng, ngoại trừ những yếu tố nghiêm trọng khiến hôn nhân đổ vỡ như bạo lực gia đình hay ngoại tình, thì việc ly dị vì các lý do đơn giản như chán nhau, cảm thấy không còn hợp nhau (như thường thấy trong làng showbiz) là khó được chấp nhận. Tóm lại, chưa bàn đến yếu tố tôn giáo, thì hôn nhân tự nhiên vẫn là bất khả phân ly và đồng thời là diễn tả rõ nét nhất của sự tin tưởng, trung thành và chung thủy. Hôn nhân là một sự kiện hết sức quan trọng của đời người, và hôn nhân gia đình cũng là yếu tố quan trọng xây dựng xã hội. Thế nên, ước mong sao mọi người luôn ý thức được tính chất quan trọng và nghiêm trọng của chuyện hôn nhân, và một khi đã quyết định đi đến hôn nhân thì nỗ lực vun đắp tình yêu, trung thành và trung tín với nhau trọn đời. Bởi trong hôn nhân, cả hai đã thành MỘT – một xương một thịt.
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO