HỎI. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề kết hôn khác đạo? Người có đạo nên làm gì để có thể tránh được những khó khăn và đổ vỡ?
ĐÁP.
Như các bạn đã biết, số tín hữu Công Giáo ở VN khá ít, chỉ có khoảng 7 triệu người trong tổng số gần 100 triệu dân, tức là chỉ chiếm tỉ lệ 6,8% dân số. Có thể hình dung rằng, cứ 10 người dân thì có chưa tới 1 người Công Giáo. Tỉ lệ này đưa tới vấn đề khó tránh khỏi đó là kết hôn khác đạo. Kết hôn khác đạo có hai trường hợp, một là xin phép chuẩn để đạo ai nấy giữ, hai là người ngoại đạo chấp nhận học đạo và theo đạo. Kết hôn khác đạo không phải là chuyện đáng lo ngại xét về mặt xã hội, và một số tín hữu Công Giáo xem nhẹ vấn đề này vì chính bản thân họ cũng không quan trọng chuyện đạo nghĩa. Nhưng đối với những ai còn lo lắng đến việc giữ đức tin và thực hành đạo của mình, thì vấn đề này không đơn giản và cần được quan tâm.
Một thực trạng đáng ghi nhận là kết hôn khác đạo luôn ẩn chứa những nguy cơ có phần thiệt thòi cho tín hữu Công Giáo, đặc biệt là nữ giới. Vì tín hữu Công giáo rất dễ trở thành nạn nhân bị bỏ rơi khi hôn nhân tan vỡ. Họ tuân theo luật Chúa và luật bất phân ly trong hôn nhân nên phải đối diện với sự cô đơn nếu bị ruồng bỏ. Còn người bạn đời không theo đạo hoặc đạo theo có thể ngăn cản vợ con thực hành đạo, hay tệ hơn nữa là ly hôn rồi tái hôn vì không chấp nhận hoặc không trung thành với hôn nhân bất phân ly của Công Giáo.
Đức tin tôn giáo không chỉ là vấn đề riêng tư cá nhân mà có ảnh hưởng trên gia đình và cộng đồng. Sự hòa hợp trong đức tin sẽ củng cố thêm sự bền chặt và chung thủy trong hôn nhân. Bởi khi cả hai vợ chồng đều kính sợ Chúa thì họ sẽ cùng nhau và giúp nhau tuân giữ luật Chúa, nhất là cùng nhau thực hành bổn phận vợ chồng, cha mẹ trong yêu thương và phó thác. Trái lại, sự khác biệt trong quan điểm đức tin tôn giáo có thể dẫn tới những mâu thuẫn và đổ vỡ.
Vậy thì các bạn trẻ Công Giáo nên làm gì để đề phòng và hạn chế tối đa nguy cơ mâu thuẫn và đổ vỡ hôn nhân vì vấn đề kết hôn khác đạo?
Trước tiên cũng cần khẳng định rằng, không hẳn cứ kết hôn cùng đạo là sự chung thủy được bảo đảm, vì cũng có một số tín hữu không tốt lành. Ngược lại, có rất nhiều người xin phép chuẩn kết hôn khác đạo nhưng vẫn rất tôn trọng tôn giáo của bạn đời. Và cũng có rất nhiều tín hữu tân tòng theo đạo để kết hôn nhưng rất đạo đức gương mẫu, thậm chí còn hơn cả người đạo gốc. Tuy nhiên, không phải tín hữu Công Giáo nào cũng may mắn có được người bạn đời như thế. Vậy nên sẽ không thừa nếu các bạn trẻ Công Giáo có những bước chuẩn bị từ xa trước khi đi tới hôn nhân.
Xin được gợi ý một vài bước sau đây cho những bạn trẻ Công Giáo nào còn quan tâm tới tức tin và việc thực hành đạo. Sẽ hiệu quả hơn nếu các bước này được cha mẹ và gia đình hỗ trợ.
Bước 1: Không ngừng cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng. Hôn nhân là chuyện hệ trọng của đời người, và đối với người Công Giáo thì đó còn là bí tích với tính bất khả phân ly. Vậy nên chúng ta hãy luôn cầu nguyện để tìm được người phù hợp, và để sáng suốt chọn lựa quyết định.
Bước 2: Luôn đặt Chúa và vấn đề đức tin lên hàng đầu ngay từ khi quen nhau, chứ đừng để yêu sâu đậm rồi mới nghĩ tới. Thực trạng là nhiều bạn trẻ khi mới quen đều chưa nghĩ ngay tới hôn nhân, nên không đặt nặng vấn đề tôn giáo, hoặc „từ từ rồi tính“. Hậu quả là khi đã yêu nhau lâu và gắn bó tới mức khó bỏ nhau, thì vấn đề đức tin tôn giáo bị xem nhẹ – đặc biệt khi hai người đã vượt quá giới hạn khiến có thai trước hôn nhân. Hầu hết các bạn rơi vào trường hợp này đều muốn làm đám cưới chạy nhanh nhất có thể và tôn giáo chỉ là yếu tố phụ. Hầu hết các bạn thuộc diện này đều hời hợt chuyện đạo nên dễ dàng buông xuôi. Vậy nên, nếu ngay từ đầu bạn luôn đặt Chúa (đức tin) lên trên, bạn sẽ tỉnh táo để có quyết định chọn lựa đúng đắn và đỡ phải hối hận về sau.
Bước 3: Nói rõ với người đang theo đuổi mình về quan điểm tôn giáo, về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân Công Giáo, và tìm hiểu quan điểm tôn giáo của bạn ấy. Nếu bạn ấy tôn trọng và sẵn sàng đón nhận thì có thể tiếp tục, còn nếu không thì nên chấm dứt. Càng dứt khoát sớm bạn sẽ càng đỡ phải đau khổ nhiều.
Bước 4: Nếu bạn ngoại giáo không muốn theo đạo và muốn xin kết hôn khác đạo, bạn cũng hãy mời bạn ấy tìm hiểu đạo. Không theo đạo không có nghĩa là không cần biết gì về đạo, mà nên học giáo lý và tìm hiểu đạo để biết mà tôn trọng đức tin của bạn đời. Vì yêu nhau là cần hiểu rõ về nhau, không chỉ tính cách, quan điểm sống, mà cả quan điểm đức tin nữa. Ngoài ra, bạn cũng hãy lưu ý tới việc cam kết tôn trọng tự do thực hành đức tin cần được bảo đảm cách nghiêm túc.
Bước 5: Nếu bạn ngoại giáo chấp nhận học đạo và theo đạo, bạn hãy làm gương sáng và động lực giúp bạn mình. Đừng ngại ngùng chia sẻ về Chúa, về đức tin cho bạn. Nhiều người cho rằng đức tin và tôn giáo không phải là chủ đề ưa thích của những cuộc tâm sự khi hẹn hò, nên rất ít đề cập. Không, điều đó ảnh hưởng tới hạnh phúc của hôn nhân, nên bạn đừng ngại chia sẻ. Hãy giúp người yêu cảm nhận được đức tin của bạn, đó sẽ là ấn tượng rất tốt để nâng đỡ hành trình đức tin của người ấy. Bạn cũng hãy mời gọi và hướng dẫn người yêu cầu nguyện, và hãy đi lễ để cầu nguyện cùng nhau, cho nhau.
Và trước khi đi tới hôn nhân khác đạo, bạn càng cần ý thức rõ ràng hơn nữa những nguy cơ tiềm ẩn, và hậu quả của nó, nhờ đó bạn sẽ biết cân nhắc lượng định thiệt hơn mà quyết định.
Tóm lại, hôn nhân khác đạo tuy có những nguy cơ đáng lo cho tín hữu Công Giáo, nhưng đó cũng là cơ hội để người Công Giáo làm chứng đức tin. Vì nói như thánh Phaolo: „Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo.“ (1Cor 7,14). Hơn nữa, tình yêu đích thực sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sự hãi, đặc biệt hơn nữa khi tình yêu ấy được Chúa chúc lành, được Giáo Hội chứng giám, và được nỗ lực vun đắp của đôi hôn phối.
Nhận xét
Đăng nhận xét