NHỮNG HIỂU LẦM/ HIỂU SAI PHỔ BIẾN ĐỐI VỚI CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM


1. Công Giáo là đạo của phương tây, không phải của Việt Nam
Đúng, nếu xét theo cơ cấu và học thuyết của tôn giáo. Đạo Công Giáo được Đức Giêsu thành lập ở Israel, sau đó được truyền bá khắp năm châu trong đó có Việt Nam.
Sai, nếu xét theo niềm tin vào Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa (Thiên Chủ/ Thượng Đế) mà đạo Công Giáo tin và rao giảng cũng phù hợp với niềm tin vào Ông Trời của người Việt Nam. Có thể nói rằng Ông Trời chỉ có một, và tuy danh xưng khác nhau, nhưng có lẽ khắp năm châu người ta đều tin cùng một Ông Trời (Thiên Chúa).
Hơn nữa, suy cho cùng, tất cả mọi tôn giáo lớn ở Việt Nam đều được truyền đến từ nơi khác chứ không có một tôn giáo nào hoàn toàn thuần Việt. Chẳng hạn, Đạo Phật từ Ấn Độ, Khổng (Nho) Giáo và Lão Giáo từ Trung Quốc; Hồi Giáo từ Tây Á; thậm chí cả chủ nghĩa Cộng Sản của Karl Marx (Các – Mác) của phương tây. Duy chỉ có thờ kính tổ tiên là truyền thống từ ngàn xưa, nhưng không riêng ở Việt Nam mà mọi dân tộc đều có. Vậy tại sao các triết thuyết kia được chấp nhận, còn Công Giáo lại bị loại trừ? Rõ ràng ở đây có tác động của yếu tố chính trị.
2. Tổ Tiên không thờ, đi thờ một ông tây mũi lõ
Sai, vì:
Tôn kính tổ tiên/ đạo hiếu là truyền thống của mọi dân tộc và tôn giáo. Đối với đạo Công Giáo, thờ kính tổ tiên còn là một điều luật quan trọng thuộc vào 10 điều răn căn bản mà nếu người nào vi phạm sẽ mắc tội trọng. Điều răn thứ 4: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. (Xh 20,12). Thêm nữa, việc kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên được người Công Giáo cử hành liên tục, đặc biệt là việc xin lễ. Trong khi đó, người ngoại chỉ có một vài dịp trong năm để cúng tế tổ tiên cách đặc biệt vào ngày tết, giỗ chạp hay ngày vu lan. Khác biệt chỉ nằm ở chỗ, người Công Giáo không cúng bái bằng đồ ăn và không đốt vàng mã. Nhưng rất nhiều người ngoại lại nại vào yếu tố đó để cho rằng người Công Giáo không thờ kính tổ tiên. Đây là điều khá phi lý.
Đạo Hiếu của Việt Nam tôn kính tổ tiên, nhưng cũng không hề xem tổ tiên lớn hơn Ông Trời. Ông Trời và Tổ Tiên là hai thực tại khác nhau, ai cũng hiểu rõ. Người ta giữ đạo hiếu, tôn kính Tổ Tiên, nhưng người ta vẫn tin và khấn xin Ông Trời cho Tổ Tiên được an nghỉ trong cực lạc vĩnh hằng. Đức tin Công Giáo cũng dạy đúng như thế, người Công Giáo tôn kính Tổ Tiên, nhưng cũng hiểu rõ Tổ Tiên không phải là Ông Trời, Đấng mà người Công Giáo gọi là Thiên Chúa. Tóm lại thì ở đây vẫn là vướng mắc trong danh xưng Ông Trời và Thiên Chúa.
Ông tây mũi lõ mà nhiều người ngoại nói ở đây chính là Đức Giêsu, nhưng họ nói như vậy là vì không hiểu rõ đức tin của Công Giáo. Đức tin Công Giáo không chỉ thờ một ông tây Giêsu lịch sử, mà bởi tin ông ấy là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Niềm tin này đặt nền trên mặc khải Kinh Thánh. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì có nghĩa là người Công Giáo đang thờ Trời (Thiên Chúa), chứ không phải thờ một con người lịch sử mà thôi. Điều này có vẻ nhiều người ngoại không hiểu và khó chấp nhận. Nhưng nếu suy cho cùng, việc tôn kính Đức Phật cũng là một con người, hay Bác Hồ cũng là một con người thì họ lại không phản bác? Ở đây chúng ta lại thấy tác động của yếu tố chính trị.
(còn tiếp)
M. Hạnh Tử



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO