Phần 2: Ông Trời/ Thượng Đế trong niềm tin của Do Thái Giáo (nguồn gốc của Kitô Giáo/ Công Giáo)


Đầu tiên xin nói một chút về ngôn ngữ liên quan đến danh từ Chúa và Thần. Trong ngôn ngữ của các nước châu âu, đặc biệt là Hy Lạp, Roma là nơi bắt nguồn nhiều thần thoại về các thần ở thời cổ đại (chuyện thần thoại Hy Lạp...), chỉ có 1 danh từ: Theo (Hy lạp) và Deus (Latinh – thần Zơt) (và tiếng Anh: God) để gọi chung các thần.
Chữ "Chúa", tiếng Anh là Lord, không mang ý nghĩa thần tính hay thần thiêng, mà là chỉ một ông/bà chủ/ một bậc thầy/ một bậc (vua) chúa. Giống như mình nói đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Tổ phụ Ápraham cũng được gọi là Chúa: "Như Sara đã vâng phục Abraham, gọi ông là chúa." (1 Pr 3, 4).
Còn chữ "Thiên Chúa", là một nỗ lực dịch thuật chữ God (hay Deus) - Đấng trên hết mọi sự mà muôn loài phải tôn thờ - của cha Matteo Ricci thuộc Dòng Tên, khi ngài truyền giáo tại Trung Hoa. Ngài vận dụng tư tưởng Á Đông là thờ Ông Trời (như mình hay thốt "Trời ơi!" vậy) mà ghép hai chữ Nho là Thiên và Chủ lại thành chữ Tiānzhǔ 天主 (Thiên Chúa, tức là chúa của bầu trời), nhằm chỉ Thần Linh của Kitô Giáo (Khanh Nguyen).
Vậy thì Thiên Chúa của Kitô Giáo/ Công Giáo là vị nào?
Công Giáo nói riêng và Kitô Giáo nói chung bắt nguồn từ Do Thái Giáo với niềm tin độc thần, vào một Đức Chúa Yahweh (YHWH). Do Thái Giáo được ghi nhận là tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới với hơn 3.500 năm tuổi. Đức Chúa Yahweh này chính là Đấng Sáng Tạo, là Vua Trời – Đấng ngự trên các tầng trời: "Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.“ (Đnl 4,39). Do Thái Giáo tin thờ Thiên Chúa (Thượng Đế) là Đấng sáng tạo, bảo vệ nuôi dưỡng cũng như thưởng phạt con người. Ngài thấu suốt mọi sự, cả lòng dạ và suy nghĩ của con người; Ngài sắp đặt mọi sự trong cuộc đời con người (Tv 139). Niềm tin này cực đoan tới mức tin rằng Thiên Chúa tiền định tất cả, theo kiểu nói của người Việt là Ngài an bài, sắp đặt tất cả.
Như trong phần nói về Ông Trời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôi đã trình bày rằng, người Việt tin rằng Ông Trời thấu suốt và quyết định tất cả. Mọi loại trên trái đất đều do "trời sinh đất dưỡng“, "trời sinh voi cũng sinh cỏ“, "trời cho sống ngày nào thì hay ngày đó“, "lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt“... tất cả những điều này Do Thái Giáo đều tin. Thậm chí, Do Thái Giáo còn có Kinh Thánh và hệ thống giáo lý dạy về điều này, chứ không chỉ là niềm tin truyền miệng như người Việt.
Trong khi đó người Việt tuy tin Ông Trời, nhưng bên cạnh đó vẫn tin vào các thần thánh khác theo kiểu "đất có thổ công, sông có hà bà“, thế nên “có thờ có thiêng, có kiêng có được”. Do đó người Việt cảm nhận như nhận xét của Linh mục L.Cadiere như sau: “Thần ở khắp nơi trong thiên nhiên, thần tham dự vào cuộc sống con người và ảnh hưởng trên số phận của họ … Thần cho sống được sống, bắt chết phải chết. Thần là nguyên nhân của bệnh tật, thiên tai, ôn dịch … Các thế giới thần linh ấy có thể nói đã bao hàm đời sống của người Việt, thúc đẩy họ phải cúng lễ. Trước khi hành động phải cầu che chở của thần linh”. Điều này có thể được thấy qua việc thờ cúng thú dữ như ông hổ ở những vùng rừng núi mà thú dữ thường tấn công con người, hay ở những khúc sông mà nhiều người bị chết đuối, người ta cũng lập miếu thờ hà bá để cầu khấn, để xin được bình an.
Nói tóm lại, qua những phân tích trên đây, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng Đức Yahweh của Do Thái Giáo cũng chính là Thượng Đế/ Ông Trời trong niềm tin của người Việt. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ Do Thái Giáo là tôn giáo độc thần, có Kinh Thánh, giáo lý, có hệ thống cơ cấu và nhất là nghi lễ phụng tự (phụng vụ) rõ ràng qui củ. Họ chỉ tôn thờ duy một mình Đức Yahweh mà thôi, ngoài Ngài ra không có một thần nào khác (Đnl 4,39; 6,5).
(còn tiếp)
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO