HỎI. Có phải đời sống đạo ở tây phương rất xuống cấp?
ĐÁP. Không hẳn.
Một điều đáng lưu ý là ở Việt Nam chúng ta chủ yếu nghe biết thông tin qua phương tiện truyền thông. Mà phương tiện truyền thông luôn là con dao hai lưỡi. Một mặt nó giúp chúng ta tiếp cận thông tin khắp thế giới một cách nhanh chóng; nhưng đàng khác luôn tiềm ẩn nguy cơ đưa tin một chiều, thiếu khách quan, hay thậm chí tệ hơn nữa là cố ý đưa tin sai lạc. Thông tin về Giáo Hội Công Giáo rất được thế giới quan tâm, các phương tiện truyền thông cập nhật, nhưng điều đáng buồn là người ta luôn đưa tin tiêu cực, những scandal của Giáo Hội, còn các thông tin tích cực thường bị phớt lờ. Thông tin về tình trạng sinh hoạt tôn giáo và đời sống đức tin ở tây phương là một ví dụ.
Ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên nghe thông tin về các scandal lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, hay tình trạng suy đồi luân lý và tình trạng bỏ đạo của tín hữu tây phương. Những tin tức dạng này được khai thác tối đa, và được đưa theo kiểu tin giật gân như: Giáo Hội phải bán nhà thờ vì không có người đi lễ; hoặc phải bán tài sản để bồi thường cho các vụ án lạm dụng tình dục...
Ngoài ra, không chỉ Giáo Hội Công Giáo mà các Giáo Hội Kitô khác cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự, nhưng gần như các phương tiện truyền thông chỉ chăm chăm đưa tin tiêu cực về Giáo Hội Công Giáo. Đó không khác gì là một cuộc tấn công cố ý nhắm vào Giáo Hội với ý đồ làm suy giảm ảnh hưởng của Giáo Hội mà thôi.
Mặc dù trong thực tế những điều mà truyền thông đưa tin là có, tức là các scandal của hàng giáo sĩ và nhiều tín hữu tuyên bố bỏ đạo, nhưng nó không trầm trọng và đen tối như thế. Sinh hoạt của Giáo Hội nhiều nơi ở tây phương vẫn rất sống động, đặc biệt nhưng nơi vốn là truyền thống Công Giáo; số người gia nhập đạo vẫn gia tăng, và điều đáng ghi nhận là việc gia nhập đạo hầu hết xuất phát từ lòng khao khát tìm về với Chúa, chứ không phải vào đạo để kết hôn, bởi ở châu âu, việc tôn trọng tự do chọn lựa tôn giáo được bảo đảm.
Một số phong trào đạo đức của Giáo Hội vẫn hoạt động rất tích cực và mạnh mẽ, nhất là các phong trào của giới trẻ. Các ngày đại hội giới trẻ vẫn thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Những nhóm cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ. Trong đó, phong trào Hướng Đạo (Pfadfinder) là một ví dụ điển hình. Phong trào này vẫn hoạt động mạnh mẽ và thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tôn chỉ của phong trào gói gọn trong ba lời tuyên hứa: Trung thành với đức tin Công Giáo, trung thành với Tòa Thánh và trung thành với tổ quốc. Các bạn trẻ tham gia phong trào được học hỏi giáo lý, và được huấn luyện các kĩ năng sống theo tinh thần Công Giáo.
Thêm vào đó, tinh thần bác ái của người châu âu rất đáng ghi nhận. Mặc dù lượng người đi nhà thờ có vẻ ít, nhưng số người tham gia đóng góp cho các hoạt động bác ái của Giáo Hội vẫn luôn rất cao.
Với kinh nghiệm thực tế tại châu âu, tôi khẳng định rằng, tuy so về số lượng thì đời sống đạo ở tây phương không được như ở Việt Nam, nhưng về chất lượng thì rất tốt. Giáo Hội Tây Phương tuy có suy yếu, nhưng với những người đang còn trung thành với đức tin Công Giáo, thì niềm hi vọng vẫn luôn sống động. Giáo Hội vẫn luôn sống, bởi vì Chúa Kitô sống – Christus vivit!!
Nhận xét
Đăng nhận xét